Giữ hay nới trần lạm phát?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khi sức nóng từ lạm phát chưa được xoa dịu, thì từ 15h ngày 13/6, giá bán lẻ các loại xăng dầu tiếp tục thiết lập kỷ lục mới, gia tăng lo ngại khó giữ mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4%. Các cơ quan điều hành cho biết sẽ thực hiện quyết liệt giải pháp kiểm soát đà tăng giá hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, có ý kiến đề xuất, cần nới chỉ tiêu lạm phát để thuận lợi cho công tác điều hành các chỉ tiêu vĩ mô khác, song vẫn có quan điểm chưa đồng tình với đề xuất này.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất các giải pháp bình ổn giá, nhất là rà soát, điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá xăng dầu. Ảnh: Tiên Giang
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất các giải pháp bình ổn giá, nhất là rà soát, điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá xăng dầu. Ảnh: Tiên Giang

Bộ Tài chính cho biết, với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25%, hiện vẫn còn dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 4%.

Tuy nhiên, ngày 13/6, giá bán lẻ các loại xăng dầu tiếp tục lập đỉnh mới, riêng giá xăng RON 95 là 32.370 đồng/lít. Đây là đợt tăng thứ 12 của mặt hàng này trong nửa đầu năm 2022. Giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành này được điều chỉnh tăng rất mạnh 2.490 - 2.630 đồng/lít. Theo đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel là 29.020 đồng/lít, dầu hỏa là 27.830 đồng/kg.

Theo Bộ Tài chính, diễn biến giá năng lượng và vật tư chiến lược trên thị trường thế giới tiếp tục gia tăng gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình thị trường, trong đó có giá dịch vụ giáo dục, sẽ tác động rất lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2022.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cho biết, lạm phát 5 tháng đầu năm cơ bản được kiểm soát và thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới, chủ yếu là do triển khai yêu cầu kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội từ đầu năm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả, bảo đảm cung cầu phù hợp, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác có sự phối hợp chặt chẽ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nêu trên để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất các giải pháp bình ổn giá, nhất là rà soát, điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá xăng dầu, nghiên cứu điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với xăng dầu để kiểm soát giá mặt hàng này.

Từ góc độ khác, có ý kiến đề xuất cần nới chỉ tiêu lạm phát cả năm để thuận lợi cho công tác điều hành các chỉ tiêu vĩ mô khác. PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam đang nhập khẩu lạm phát và nếu quá lo ngại lạm phát mà không bơm tiền ra thì lạm phát vẫn tăng lên. Trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng, doanh nghiệp lại thiếu nguồn vốn thì rủi ro càng cao. Do đó, Chính phủ nên mạnh dạn chủ động đặt chỉ tiêu lạm phát cao hơn mục tiêu ban đầu để tăng cung tiền cho nền kinh tế, đẩy nhanh phục hồi sản xuất kinh doanh”.

Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, chỉ tiêu lạm phát 4% đang khiến cho công tác điều hành tín dụng gặp khó khăn, nếu tiếp tục đẩy vốn tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế thì rủi ro lạm phát vượt chỉ tiêu. Do đó, cần nới chỉ tiêu lạm phát để việc điều hành các chỉ tiêu khác thuận lợi hơn.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng chưa nên nới chỉ tiêu lạm phát ở thời điểm này bởi một số lý do.

Trước hết, đẩy “trần” lạm phát sẽ làm lạm phát kỳ vọng tăng và càng khiến áp lực lạm phát cao hơn vào cuối năm. Từ đó, đối tượng lao động phổ thông hoặc tự do sẽ gặp nhiều khó khăn nhất do thu nhập thấp và bấp bênh, nới rộng khoảng cách giàu - nghèo vốn đã chịu tác động đáng kể từ dịch Covid-19.

Mặt khác, lạm phát tăng khiến kinh doanh có nguy cơ đình trệ do chi phí đầu vào tiếp tục tăng dẫn đến mất cân đối cung cầu cuối năm, càng tăng rủi ro lạm phát.

“Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ cần có chính sách theo dõi và tiếp tục hỗ trợ bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu như bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng, hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình với một số mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau dịch Covid-19. Đồng thời, giám sát và ngăn chặn xu hướng tăng giá dịch vụ cơ bản, thiết yếu, nhất là các dịch vụ công, có động thái cảnh báo các ngân hàng không nên đua tăng lãi suất huy động và cho vay gây áp lực chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh”, ông Việt nói.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, không nên điều chỉnh mục tiêu lạm phát năm 2022 vì các cân đối vĩ mô, chỉ tiêu kế hoạch, chính sách và giải pháp đều xây dựng trên cơ sở mục tiêu lạm phát khoảng 4%. Nếu điều chỉnh mục tiêu lạm phát sẽ gây xáo trộn không cần thiết và gây tâm lý chủ quan, giảm tính chủ động, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành kiểm soát lạm phát...

Dù vậy, theo ông Lâm, Chính phủ nên có kịch bản vĩ mô với lạm phát của nền kinh tế năm 2022 ở mức 4,5% và 5% để chủ động giải pháp điều hành nền kinh tế và điều chỉnh dự toán ngân sách, kế hoạch đầu tư công.

“Trong bối cảnh năm 2022, kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao, nếu kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng khoảng 6% và lạm phát trong khoảng 4 - 4,5% là một thành công”, ông Lâm nhấn mạnh.

Chuyên đề