OPEC mới đây tuyên bố sẽ không sớm nâng sản lượng khai thác dầu. |
Nhiều nhà giao dịch dầu lửa hàng đầu đang dự báo sự trở lại của mức giá dầu 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014, trong bối cảnh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác chần chừ trong việc nâng sản lượng để bù đắp cho nguồn dầu sụt giảm từ Iran do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng lên mức cao nhất trong 4 năm. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi OPEC khai thác nhiều dầu hơn để "ghìm" đà tăng của giá dầu. Tuy nhiên, trong cuộc họp của OPEC và Nga tại Algeria vào cuối tuần vừa rồi, lời kêu gọi này của ông Trump không được hưởng ứng.
Thái độ chần chừ của OPEC, cộng với những dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu từ Iran giảm càng ngày càng nhanh, đang thúc giá dầu leo thang.
"Thị trường vẫn chưa có sự phản hồi từ phía nguồn cung đối với khả năng mất đi 2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong quý 4 năm nay", ông Daniel Jaeggi, nhà đồng sáng lập Mercuria Energy Group, phát biểu tại một hội thảo của ngành dầu lửa toàn cầu ở Singapore ngày 24/9. "Theo quan điểm của tôi, điều kiện hiện nay sẽ dẫn đến việc giá dầu tăng vọt qua 100 USD/thùng".
Hồi tháng 5, khi ông Trump công bố kế hoạch áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu lửa của Iran, thị trường dự báo lượng dầu xuất khẩu từ nước này chỉ giảm 300.000-700.000 thùng/ngày là cùng. Tuy nhiên, theo ông Ben Luckock, Giám đốc công ty giao dịch dầu lửa Trafigura Group, nói rằng dự báo trên giờ đã tăng lên mức 1,5 triệu thùng dầu/ngày vì Mỹ "thực sự nghiêm trọng" trong việc tái trừng phạt Tehran.
Thậm chí, OPEC dự báo rằng sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ được tái áp lên ngành dầu lửa Iran từ ngày 4/11, lượng dầu xuất khẩu của nước này sẽ giảm tới 2 triệu thùng/ngày.
"Sản lượng dầu của Iran sẽ giảm mạnh, có lẽ là giảm nhiều hơn hầu hết mọi người nghĩ", ông Luckock nhận định, đồng thời dự báo giá dầu sẽ lên 90 USD/thùng trước Giáng sinh năm nay và lên 100 USD/thùng vào đầu năm 2019.
Không chỉ sản lượng dầu của Iran suy giảm, mà sản lượng dầu của Venezuela cũng đang sụt nhanh do cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này. Trong khi đó, nguồn cung dầu mới lớn nhất của thế giới hiện nay là dầu đá phiến Mỹ đang gặp một số trở ngại do thiếu đường ống và nhân công.
Tuy nhiên, bà Janet Kong, trưởng bộ phận giao dịch tại châu Á của hãng dầu lửa BP, cho rằng mức giá 100 USD/thùng dầu có thể sẽ không bền vững trong dài hạn, bởi nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới có thể bị đe dọa bởi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, và nguồn cung dầu, nhất là từ Mỹ, được đánh giá là đủ đáp ứng nhu cầu trong 12 tháng tới.