Giảm lãi suất và hóa giải bài toán thừa vốn

0:00 / 0:00
0:00

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chững lại, huy động vốn vượt trên mức tăng trưởng tín dụng ngày càng xa, nguồn cung tiền đồng gia tăng,... làm thanh khoản của hệ thống ngân hàng càng thêm dư thừa, dù đang là thời điểm thị trường khát vốn mùa cuối năm. Trước tình cảnh này, việc giảm thêm lãi suất tiền gửi dường như là hệ quả tất yếu.

VietinBank cũng như các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh đã bảy lần giảm lãi suất kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: THÀNH HOA
VietinBank cũng như các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh đã bảy lần giảm lãi suất kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: THÀNH HOA

Vào mùa cuối năm lãi suất vẫn giảm mạnh

Trong nửa cuối tháng 11, bốn ngân hàng thương mại (NHTM) gốc quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank một lần nữa đồng loạt điều chỉnh giảm khung lãi suất tiền gửi, đánh dấu lần giảm đồng loạt thứ hai trong vòng hai tháng liên tiếp và là lần thứ 7 kể từ đầu năm đến nay.

Cụ thể, các kỳ hạn dưới 12 tháng giảm đều 0,2 điểm phần trăm, theo đó kỳ hạn 1-5 tháng còn 3,1-3,4%/ năm, cách xa mức trần 4% theo quy định hiện nay dành cho tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng, trong khi kỳ hạn 6-11 tháng cũng chỉ còn xoay quanh 4%/năm, các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 5,6-5,7%/năm.

Sự “khơi mào” của nhóm này luôn dẫn dắt nhiều ngân hàng khác làm theo suốt từ đầu năm đến nay và kéo giảm đáng kể mặt bằng lãi suất chung của thị trường.

Trong nhóm NHTM cổ phần tư nhân, Techcombank cũng giảm đều 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn, theo đó tiền gửi có kỳ hạn 1-5 tháng chỉ còn từ 2,65 -2,85%/năm, thấp hơn cả nhóm NHTM gốc quốc doanh, kỳ hạn 6-11 tháng là 4,2%, kỳ hạn 12 tháng 4,4%, từ 13 tháng trở lên 4,7-4,9%, ghi nhận là ngân hàng có khung lãi suất niêm yết thấp nhất thị trường hiện nay.

Các ngân hàng cũng tiếp tục giảm thêm lãi suất đầu ra. Như BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay vốn lần thứ hai liên tiếp đối với khách hàng vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng hoặc sản xuất kinh doanh, xuống chỉ còn 7%/năm, ưu đãi áp dụng cho sáu tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu.

Một loạt ngân hàng khác thậm chí còn cho vay mua nhà với lãi suất thấp bất ngờ trong thời gian ưu đãi, như OCB và MSB chỉ còn 5,99%/năm, thấp nhất thị trường hiện nay. VietABank là 6%, VietBank 6,5%, trong khi các ngân hàng khác phổ biến từ 7-8%, mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Nhóm ngân hàng nước ngoài cũng không chịu thua kém khi Standard Chartered cho vay mua nhà với lãi suất 6,45%/năm, HSBC và Hong Leong Bank chỉ từ 6,49%, Shinhan Bank là 7,7% và UOB là 8,7%.

Kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, các tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động - cho vay tiếp tục giảm trong quí 4-2020 và cả năm 2020, với mức giảm bình quân thêm 0,1 điểm phần trăm trong quí 4-2020.

Hóa giải bài toán thừa vốn

Thừa vốn là thực trạng xuyên suốt của các ngân hàng kể từ đầu năm đến nay, khi những ảnh hưởng của dịch bệnh đã thúc đẩy dòng vốn chảy mạnh vào ngân hàng như một kênh đầu tư an toàn, trong khi nhu cầu vay vốn suy yếu trầm trọng.

Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy, tính đến ngày 24-11, huy động vốn tăng 10,65% so với đầu năm, tín dụng tăng 7,93% và tổng phương tiện thanh toán tăng 10,31%. Như vậy, chênh lệch giữa tăng trưởng huy động vốn và tín dụng tiếp tục mở rộng thêm, từ mức 2,58% vào tháng 9 lên 2,72% vào tháng 11, bất chấp tốc độ tăng trưởng tín dụng đã có sự cải thiện đáng kể từ đầu quí 4 đến nay.

Việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chững lại do những điều kiện thắt chặt đến từ Nghị định 81/2020/NĐ-CP có lẽ đã góp phần khiến dòng tiền chuyển hướng tập trung trở lại vào ngân hàng. Cụ thể, giá trị TPDN phát hành riêng lẻ trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua chỉ còn 10.521 tỉ đồng và 9.504 tỉ đồng, giảm tương ứng 73% và 75% so với số phát hành tháng 8.

Đáng lưu ý là các ngân hàng cũng chính là đối tượng thu hút vốn lớn nhất từ việc phát hành trái phiếu trong suốt những tháng qua, chiếm xấp xỉ 30% tổng giá trị TPDN đã phát hành trong 10 tháng đầu năm 2020. Và xu thế này có vẻ vẫn chưa dừng lại khi trong những ngày đầu tháng 12 này Agribank - ngân hàng hiếm khi phát hành trái phiếu, cũng bắt đầu tham gia cuộc chơi khi công bố kế hoạch phát hành 5.000 tỉ đồng trái phiếu để tăng vốn tự có cấp 2 trong thời gian ít ỏi còn lại của năm nay.

Nguồn vốn dồi dào, tín dụng đầu ra chưa đạt mục tiêu kỳ vọng, các ngân hàng chỉ còn cách tăng cường đầu tư vào trái phiếu chính phủ (TPCP) trong những tháng qua. Tuy nhiên, càng về cuối năm lợi suất TPCP phát hành càng giảm sâu, trong khi Chính phủ ưu tiên phát hành các kỳ hạn dài, nên các ngân hàng không còn tích cực tham gia như giai đoạn trước, càng đẩy mức độ thừa vốn gia tăng. Cụ thể tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu trên thị trường TPCP sơ cấp trong tháng 11 vừa qua tiếp tục giảm xuống chỉ còn 65%, từ mức 74% trong tháng 10 và 98% trong tháng 9.

Việc NHNN quay lại mua ròng ngoại tệ trong tháng 11, tương ứng với bơm hàng chục ngàn tỉ đồng ra nền kinh tế, cũng làm gia tăng lượng cung tiền đồng, giúp thanh khoản hệ thống thêm dồi dào. Mục tiêu của Chính phủ là có thể nâng dự trữ ngoại hối lên 100 tỉ đô la Mỹ trước cuối năm nay, do đó không loại trừ khả năng nhà điều hành sẽ tiếp tục mua vào ngoại tệ cho đến cuối năm. Ở một diễn biến khác, Sở Giao dịch NHNN đã giảm 75 đồng giá mua đô la Mỹ vào từ ngày 23-11, phát đi tín hiệu đáng tin cậy về kịch bản mua ngoại tệ nói trên.

Trước diễn biến khối ngoại đang quay lại mua ròng trên thị trường cổ phiếu kể từ nửa cuối tháng 11 đến nay, trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng phát đi tín hiệu khả quan hơn trong tháng 11, khi đây là tháng đầu tiên vốn FDI đăng ký tăng trưởng dương trở lại sau ba tháng giảm liên tiếp, với mức tăng 12%, cộng thêm dòng kiều hối bắt đầu vào giai đoạn cao điểm đổ về, việc nguồn cung ngoại tệ tăng mạnh thêm và tỷ giá ổn định sẽ càng thúc đẩy NHNN nâng thêm dự trữ ngoại hối là có cơ sở.

Tiền đồng tiếp tục được bơm ra, dòng vốn tiền gửi chảy vào ngân hàng vẫn cao hơn tín dụng, thanh khoản hệ thống cuối năm nay được kỳ vọng tiếp tục dồi dào chứ không còn đứng trước áp lực căng thẳng như mọi năm, nên các ngân hàng có thể tự tin giảm thêm lãi suất nhằm hóa giải bài toán thừa vốn. Đây có lẽ một lựa chọn tối ưu cho chiến lược kinh doanh và tác động tích cực lên mục tiêu lợi nhuận cho năm nay.

Chuyên đề