Giảm bất cập chính sách sẽ tăng hiệu quả doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khi việc tiếp cận dòng tiền gặp nhiều khó khăn, chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế khó đến được với doanh nghiệp (DN), thì hàng loạt thủ tục, quy định mới hay biện pháp quản lý nhà nước “giật cục”, “phanh gấp” khiến chi phí tuân thủ của DN bị đội lên gấp bội. Ách tắc và sụt giảm động lực đầu tư sản xuất kinh doanh là cụm từ được nhiều DN, hiệp hội phản ánh khi nói đến tác động của dòng chảy pháp luật kinh doanh hiện nay.
Việc giảm rủi ro pháp lý cho kinh doanh đòi hỏi nhiều biện pháp lâu dài, bền bỉ. Ảnh: Tiên Giang
Việc giảm rủi ro pháp lý cho kinh doanh đòi hỏi nhiều biện pháp lâu dài, bền bỉ. Ảnh: Tiên Giang

Chính sách điều hành “phanh gấp”

Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022 diễn ra ngày 4/4, các cơ quan nhà nước tại Trung ương đã ban hành 636 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong năm 2022, trong đó có 12 luật, 3 pháp lệnh, 131 nghị định, 28 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 462 thông tư.

So với trung bình các năm, tổng số VBQPPL và số lượng từng loại VBQPPL đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, xu hướng sử dụng các biện pháp hành chính để can thiệp vào hoạt động của thị trường ngày càng nở rộ.

Từ một vụ việc cụ thể là vụ cháy quán karaoke tại Hải Dương, sau đó tất cả DN kinh doanh dịch vụ này trên địa bàn đều bị đóng cửa là ví dụ được ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI đưa ra khi nói tác động của chính sách điều hành “phanh gấp”.

Báo cáo của VCCI chỉ rõ những tiêu chuẩn quá cao đến mức bất hợp lý trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh như: tiêu chuẩn sơn chống cháy, tiêu chuẩn kỹ thuật bến xe khách, tiêu chuẩn kỹ thuật về giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe… Theo TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), quy định về phòng cháy chữa cháy khiến hầu hết DN không thể đáp ứng, kể cả DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

“Việc ban hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bất hợp lý cũng làm gia tăng chi phí kinh doanh, từ việc thay đổi quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đến chứng nhận hợp quy sản phẩm. Người tiêu dùng thiếu các lựa chọn có giá cả phải chăng hơn. Tính cạnh tranh của thị trường cũng có thể bị ảnh hưởng nếu chi phí tuân thủ quá cao và chỉ một số DN lớn có thể đáp ứng”, ông Trương Đức Trọng - đại diện Nhóm nghiên cứu của VCCI nhận xét.

Một số sự thay đổi chính sách lớn được ban hành và thực thi đột ngột khiến DN, nhà đầu tư và các bên liên quan không đủ thời gian chuẩn bị. Minh họa rõ nhất là các VBQPPL điều tiết trái phiếu DN phát hành riêng lẻ trong thời gian gần đây đã khiến thị trường lúc thì bung nở quá mức, lúc thì bị co thắt lại, gây sốc cho hàng nghìn DN và nhà đầu tư. Không chỉ những chính sách đã được ban hành, mà cả những quy định đang nằm trong các văn bản dự thảo cũng khiến DN lo lắng.

Tăng tính ổn định và dự đoán được của pháp luật

Để cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung công nghiệp hoá và phát triển kinh tế tư nhân, việc tăng tính ổn định và dự đoán được của pháp luật, giảm rủi ro pháp lý là một trong những biện pháp cần thiết nhất được nhiều chuyên gia và DN kiến nghị.

Không chỉ thẩm định, Quốc hội cần thực hiện vai trò định hướng chiến lược để tạo thuận lợi, ưu tiên thúc đẩy cơ hội kinh doanh mới, lan tỏa năng suất, giảm chi phí.

“Việc giảm rủi ro pháp lý cho kinh doanh đòi hỏi nhiều biện pháp lâu dài, bền bỉ chứ khó có thể làm theo phong trào. Quyết tâm chính trị là cần thiết, nhưng không đủ vì quyết tâm chính trị thường phụ thuộc vào từng cá nhân cụ thể, mà khi thay đổi nhiệm kỳ thì quyết tâm đó có thể mất đi, trong khi dự án đầu tư lớn thì thường kéo dài nhiều hơn nhiệm kỳ của lãnh đạo”, Nhóm nghiên cứu của VCCI lưu ý.

Theo khuyến nghị của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, chính sách hỗ trợ DN phải ban hành sớm và kịp thời. Ví dụ như chính sách giãn, hoãn thuế phải được ban hành trước thời hạn của kỳ đóng thuế mới có tác dụng. Bởi đến kỳ đóng thuế, DN không nộp thuế sẽ bị phạt, mà đã nộp thuế thì không biết bao giờ mới được hoàn.

“Trong hoạt động của thị trường, khó tránh khỏi tình trạng một số DN làm ăn bất chính, vi phạm pháp luật, nhưng không nên đánh đồng cho tất cả. Đơn cử, trong ngành gỗ dăm, không thể dừng việc hoàn thuế cho tất cả các DN khi có một vài DN bị điều tra. Ai sai người đó bị pháp luật xử lý, không thể bắt DN chịu trách nhiệm về vi phạm của DN đầu chuỗi. Do vậy, xây dựng chính sách pháp luật cần theo lát cắt”, bà Cúc nhấn mạnh.

Để đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo và triển khai có hiệu quả các chính sách pháp luật, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) đề xuất, cần có một “kiến trúc sư trưởng” có năng lực điều phối để bao quát hết nhóm vấn đề, tránh tình trạng mỗi bộ “ôm” một luật (ví dụ như nội dung nền tảng số có tới 5 đạo luật chi phối, bất động sản có tới 12 đạo luật chi phối…). Không chỉ thẩm định, Quốc hội cần phải thực hiện vai trò định hướng chiến lược để tạo thuận lợi, ưu tiên thúc đẩy cơ hội kinh doanh mới và lan tỏa năng suất, giảm chi phí. Khi tiếp cận một chính sách mới, cần phải xử lý được vấn đề cân bằng lợi ích giữa mô hình kinh doanh cũ và mới, thúc đẩy cái mới nhưng cũng cần có chính sách bù đắp cho mô hình cũ bị thua thiệt (mô hình xe công nghệ với taxi truyền thống, mô hình thương mại điện tử với sạp hàng truyền thống, truyền hình trả tiền với truyền hình cáp…).

Chuyên đề