Giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành: Thêm vướng mắc khiến địa phương “chùn tay”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các cơ quan hữu trách tỉnh Đồng Nai đang có nhiều băn khoăn xung quanh kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành. Sau bài viết “Vì sao giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành ‘đứng hình’?”, Báo Đấu thầu ghi nhận thêm thông tin về vướng mắc khiến địa phương này “chùn tay” trong giải quyết dứt điểm khoảng 5% mặt bằng còn lại.
Tại Dự án sân bay Long Thành, hiện còn 348 hồ sơ với diện tích 126,63 ha chưa thể trình thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường. Ảnh: Lê Tiên
Tại Dự án sân bay Long Thành, hiện còn 348 hồ sơ với diện tích 126,63 ha chưa thể trình thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường. Ảnh: Lê Tiên

Hội đồng Bồi thường Dự án Cảng HKQT Long Thành cho biết, hiện còn 348 hồ sơ với diện tích 126,63 ha chưa thể trình thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường. Đối với ý kiến của Kiểm toán Nhà nước về chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho đối tượng hộ gia đình, cá nhân (đang đóng bảo hiểm xã hội, nộp thuế thu nhập cá nhân ở các lĩnh vực kinh doanh khác mà không phải người trực tiếp sản xuất nông nghiệp) chưa phù hợp theo quy định, theo Hội đồng, nhóm đối tượng trên trước đó được Hội đồng duyệt cho nhận hỗ trợ theo Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cho Dự án.

Hội đồng Bồi thường cho biết, theo phương án bồi thường, hỗ trợ từ đợt thứ 28 về sau, các hồ sơ được UBND cấp xã xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp. Trong giấy xác nhận khẩu của hộ gia đình thể hiện nghề nghiệp là công nhân, nội trợ, lao động tự do, già yếu, học sinh, lái xe, làm rẫy...

Theo quan điểm của Hội đồng, việc xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thực hiện theo Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường và theo Khung chính sách đền bù, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cho Dự án. Đồng thời, theo Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BTNMT (ngày 28/2/2022) của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hộ gia đình, cá nhân có nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức, nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động (không nêu nội dung hưởng lương thường xuyên) được hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc. Do vậy, với các đối tượng được hưởng lương thường xuyên như cán bộ, công chức, viên chức, Hội đồng Bồi thường không áp dụng các chính sách hỗ trợ như trước đó. Các đối tượng còn lại được UBND cấp xã xác nhận là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp đã thực hiện việc áp giá hỗ trợ trình phê duyệt theo quy định.

Đối với ý kiến của Kiểm toán Nhà nước liên quan nhóm đối tượng đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ủy quyền công chứng cho người khác toàn quyền quản lý, sử dụng, mua bán, thế chấp, cầm cố… trước thời điểm thu hồi đất là có dấu hiệu những người này không phải là người tiếp tục trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất bị thu hồi sau khi đã ủy quyền, nhưng vẫn được thanh toán tiền hỗ trợ ổn định đời sống và chi hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề không đúng quy định, Hội đồng Bồi thường cho biết, các hợp đồng ủy quyền được thực hiện trước thời điểm lập biên bản kiểm đếm. Theo đó, người được ủy quyền sẽ được toàn quyền quản lý, sử dụng, nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư và các khoản hỗ trợ khác tại các thửa đất bị thu hồi...

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, khi xác định đối tượng được nhận hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, UBND cấp xã lại xác nhận cho người ủy quyền mà không phải là người được ủy quyền, dẫn đến việc xác nhận không phù hợp với nội dung ủy quyền.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án Cảng HKQT Long Thành, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được áp dụng với người có đất bị thu hồi (người ủy quyền). Căn cứ hướng dẫn trên, Hội đồng Bồi thường cho rằng, việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (người ủy quyền) là đúng theo hướng dẫn.

Ngoài các nội dung trên, Hội đồng Bồi thường cũng đang phân vân về kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước liên quan tới nội dung chi hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp có dấu hiệu không đúng với Khung chính sách.

Theo một lãnh đạo Hội đồng Bồi thường, các cơ quan chuyên môn huyện Long Thành nêu lý do khó khăn từ các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước nên chưa tiếp tục tham mưu trình phê duyệt hồ sơ của các đợt bồi thường, hỗ trợ tiếp theo và công tác GPMB đang “dậm chân tại chỗ”. UBND tỉnh Đồng Nai đã đăng ký làm việc với Thường vụ Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhằm giải trình và xin chủ trương tháo gỡ vướng mắc.

Chuyên đề