Giải pháp nào để kinh tế tư nhân “bừng nở”?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong giai đoạn 2016 - 2020, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những động lực của tăng trưởng. Để khu vực kinh tế năng động này thực sự phát triển “bừng nở”, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị.
Vẫn còn một số nút thắt cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân như quy định về hạn chế chi phí lãi vay hay câu chuyện nợ đọng xây dựng cơ bản.... Ảnh: Tường Lâm
Vẫn còn một số nút thắt cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân như quy định về hạn chế chi phí lãi vay hay câu chuyện nợ đọng xây dựng cơ bản.... Ảnh: Tường Lâm

Vẫn còn những quy định chưa khuyến khích sự phát triển

Với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp (DN), nhất là khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đến nay, Việt Nam có khoảng 800.000 DN tư nhân, số lượng DN thành lập mới hàng năm đã gấp 10 lần so với 20 năm trước đây.

Tuy vậy, theo Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, vẫn còn một số quy định pháp luật chưa khuyến khích sự phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành.

Điển hình là quy định về hạn chế chi phí lãi vay tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã được sửa đổi trong năm 2020. Cụ thể, mức chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết của một DN không được vượt quá 20% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ. Quy định này áp dụng với cả các DN tại Việt Nam, kể cả trường hợp không có chênh lệch thuế suất giữa hai công ty trong giao dịch.

“Như vậy, trường hợp công ty mẹ vay tiền từ ngân hàng rồi cho công ty con vay lại sẽ bị điều chỉnh bởi Khoản 3 Điều 8 này và các bên sẽ không còn được linh hoạt quyết định về lãi suất của giao dịch. Rõ ràng, quy định này đã không thực sự đúng với chủ trương khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân hoạt động đa ngành”, VCCI nêu quan điểm.

Về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đánh giá, nếu như 10 - 15 năm trước, các DN hàng đầu ngành xây dựng đều là các DNNN như: Vinaconex, Lilama, Sông Đà, CC1… thì đến nay, các DN tư nhân đã phát triển mạnh. Trong lĩnh vực xây đựng dân dụng, trong Top 10 DN có quy mô lớn nhất thì chỉ còn 1 - 2 DNNN.

Tuy vậy, theo ông Hiệp, trong lĩnh vực xây dựng hiện đang có sự bất bình đẳng lớn giữa nhà thầu xây dựng và chủ đầu tư. Các nhà thầu xây dựng khi tham gia 1 dự án phải có bảo lãnh dự thầu. Nếu trúng thầu thì phải bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Khi hoàn thành công trình, nhà thầu phải có bảo lãnh bảo hành. Như vậy, có 3 bảo lãnh mà chủ đầu tư nắm rất chắc đảm bảo nhà thầu phải làm xong gói thầu/dự án. Trong khi đó, bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư với nhà thầu thì không được đề cập. “Thực tế có nhiều công trình đã xong nhưng chủ đầu tư không thanh toán cho nhà thầu, còn nhà thầu không biết kêu vào đâu”, ông Hiệp cho biết.

Kích hoạt động lực tăng trưởng bằng cách nào?

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, kinh tế tư nhân là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế, thậm chí là động lực tăng trưởng chủ yếu. “Khu vực kinh tế tư nhân còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng và chỉ cần có những thay đổi mang tính chất nền tảng, khu vực này sẽ có một sự “bừng nở”, ông Cung nhận định.

Vậy đâu là giải pháp chủ yếu để kích hoạt động lực này? Ông Cung cho rằng, nút thắt căn bản đang cản trở sự phát triển của DN tư nhân cần được giải quyết. Theo đó, mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh cần phải được đẩy lên một bước cao hơn nữa; nguồn lực phân bổ phải theo nguyên tắc thị trường để người giỏi kinh doanh, có ý tưởng tốt sẽ tiếp cận được nguồn lực, cơ hội, chứ không phải là người “chạy giỏi”…

Về phía cơ quan quản lý, cần tạo áp lực để cơ quan quản lý nhà nước tìm kiếm giải pháp quản lý mới mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh tự do, an toàn, trong đó khuyến khích người dân và DN đổi mới sáng tạo.

Để đảm bảo công bằng giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong kinh doanh, ông Nguyễn Quốc Hiệp đề xuất, cần có bảo lãnh thanh toán cho 30% cuối cùng của hợp đồng với các nhà thầu để tránh nợ đọng xây dựng.

Chuyên đề