Giải ngân vốn đầu tư công tại Nam miền Trung: Tăng tốc thi công, đẩy nhanh hấp thụ vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều dự án lớn tại các tỉnh, thành phố Nam miền Trung đã và đang được chủ đầu tư, nhà thầu tháo gỡ vướng mắc, triển khai các biện pháp thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ, tăng tỷ lệ hấp thụ vốn, hướng đến hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Thi công đường công vụ vận chuyển thiết bị tại khu vực Bến cảng Liên Chiểu. Ảnh: Hà Minh
Thi công đường công vụ vận chuyển thiết bị tại khu vực Bến cảng Liên Chiểu. Ảnh: Hà Minh

Tại công trường Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), hàng chục đầu máy thiết bị đang làm đường dẫn công vụ, san nền mặt bằng Dự án, múc hút cát phần mặt bằng thi công móng đê chắn sóng. Gần đó, tốp công nhân đang pha trộn bê tông đúc cấu kiện acrobot phá sóng chuẩn bị thi công phần thân đê… “Tất cả sẵn sàng cho đợt cao điểm thi công bù lại khoảng thời gian bị gián đoạn dịp nghỉ Tết Quý Mão 2023”, ông Nguyễn Phú Xuân, đại diện Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân thuộc Liên danh nhà thầu thi công Dự án cho biết.

Theo kế hoạch vốn được giao, năm 2023, phần xây lắp tại Dự án phải đạt 25% giá trị hợp đồng, tương ứng với giá trị khối lượng hoàn thành là 658 tỷ đồng. “Chủ đầu tư và Nhà thầu đã cam kết hoàn thành mục tiêu đề ra”, ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng (Chủ đầu tư) khẳng định.

Cùng chạy đua tiến độ, tại Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) giai đoạn IIa, thành phần 1, ông Nguyễn Duy Quảng, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính thuộc Liên danh nhà thầu thi công Dự án thông tin, trên chiều dài toàn tuyến có khoảng 200 người làm việc 3 ca 4 kíp, tập trung nhiều nhất ở 6 hạng mục cầu vì không bị vướng mặt bằng.

Theo ông Trần Trung Tín, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi (Chủ đầu tư) giai đoạn IIa, thành phần 1 tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh có tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng, khởi công từ đầu năm 2022, kế hoạch hoàn thành cuối năm 2024. Đến thời điểm này, khối lượng thi công đạt 40%, tương ứng khoảng 300 tỷ đồng. Chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo giải ngân vốn theo tiến độ hàng tháng, hàng quý được UBND Tỉnh giao”.

Việc giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công đang được lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư chỉ đạo tháo gỡ tại các dự án hạ tầng giao thông ở Bình Định. Trong đó, trọng tâm là các dự án: tuyến kết nối đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn (tổng mức đầu tư 786 tỷ đồng); tuyến kết nối từ đường phía Tây Tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ (tổng mức đầu tư 818,593 tỷ đồng).

Theo Ban QLDA giao thông tỉnh Bình Định, đối với các tuyến khác, tỷ lệ giải ngân vốn từ 30 - 40%, riêng tuyến ĐT.638 khối lượng thực hiện còn chậm. Dự án ĐT.638 được chia làm 3 gói thầu xây lắp, tỷ lệ giải ngân mới đạt 11,6% (khoảng 60,8 tỷ đồng). Trong chuyến kiểm tra tiến độ thi công dự án này vào ngày 17 - 18/2, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Chủ đầu tư phối hợp với huyện Phù Mỹ đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tăng tốc thi công kịp tiến độ, nếu để chậm trễ thì Chủ đầu tư và chính quyền Huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND Tỉnh.

Trong các địa phương khu vực Nam miền Trung, tỉnh Quảng Nam giải ngân vốn đầu tư công khá chật vật. Nhiều dự án tại địa phương này bên cạnh vướng mắc cố hữu về mặt bằng chưa được tháo gỡ, còn gặp khó khăn khi giá cát tăng từ 120 nghìn đồng/m3 lên 500 nghìn đồng/m3 từ sau Tết, nhà thầu chấp nhận lỗ nhưng vẫn không có cát để mua. “Tính riêng tiền mua cát và đất đắp nền cho dự án đã lỗ đến 7 tỷ đồng. Mặt bằng vướng, vật liệu tăng giá thì khó đẩy nhanh tiến độ thi công”, đại diện Nhà thầu Tín Thành thi công tuyến đường Võ Chí Công cho biết.

Những khó khăn này là lực cản giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Nam. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, đến hết ngày 31/1/2023, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đối với các dự án do địa phương quản lý chỉ đạt hơn 286/7.778 tỷ đồng, tương ứng 3,7%, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (4%). Để tăng tỷ lệ hấp thụ vốn của các dự án, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sẽ chỉ đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng tháo gỡ tình trạng thiếu mỏ đất đắp, cát xây dựng, kiểm soát và quản lý nguồn cung vật liệu xây dựng để thực hiện dự án đầu tư; cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá mới để các chủ đầu tư cập nhật giá trước khi đấu thầu.

Chuyên đề