Giải ngân đầu tư công tại Tây Ninh: Trở ngại từ mặt bằng và giá vật liệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước thực trạng chậm bàn giao mặt bằng thi công, biến động giá cả nguyên vật liệu đầu vào làm ảnh hưởng tiến độ giải ngân đầu tư công, tỉnh Tây Ninh đã chủ trương triển khai các dự án hạ tầng quan trọng theo hình thức “cuốn chiếu”.
Đến hết quý I/2022, tỉnh Tây Ninh đã giải ngân 731,818 tỷ đồng, đạt 20,45% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Hưng Phúc
Đến hết quý I/2022, tỉnh Tây Ninh đã giải ngân 731,818 tỷ đồng, đạt 20,45% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Hưng Phúc

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Tây Ninh, năm 2022, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước do Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương là 3.577,829 tỷ đồng, bao gồm các nguồn: ngân sách địa phương 2.642,38 tỷ đồng; ngân sách trung ương 935,449 tỷ đồng (vốn trong nước đầu tư theo ngành, lĩnh vực 827,546 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ODA) 107,903 tỷ đồng).

Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 do HĐND Tỉnh giao là 4.165,829 tỷ đồng, tăng 588 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương so với kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. Đến hết quý I/2022, Tỉnh đã giải ngân 731,818 tỷ đồng, đạt 20,45% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 17,57% kế hoạch HĐND Tỉnh giao (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021).

Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Tây Ninh Phạm Lưu Nhạn, có 2 nguyên nhân chính làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công của địa phương. Đầu tiên là công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại một số dự án vẫn còn chậm. Một nguyên nhân quan trọng khác là giá xăng dầu và vật liệu xây dựng cơ bản (thép, cát, xi măng) tăng mạnh kéo theo các chi phí khác như vận chuyển, ca máy thi công leo thang khiến nhiều công trình chững lại. “Giá nguyên vật liệu biến động liên tục, thậm chí xuất hiện khan hiếm cục bộ đã tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn trong quý I/2022”, ông Nhạn cho hay.

Thông tin đến Báo Đấu thầu, Ban Quản lý dự án ngành giao thông Tây Ninh cho biết, năm 2022, các dự án do Ban làm chủ đầu tư được UBND Tỉnh giao kế hoạch vốn (đến hết tháng 3/2022) là 985,846 tỷ đồng. Lũy kế giá trị giải ngân vốn năm 2022 (đến hết tháng 3/2022) là 223,522 tỷ đồng, đạt 22,67%. Trong đó, lũy kế giải ngân vốn ngân sách tỉnh là 15,39 tỷ đồng/420,8 tỷ đồng, chỉ đạt 3,66%.

Năm 2022, Ban Quản lý dự án ngành giao thông Tây Ninh được giao quản lý đầu tư công 12 dự án. Trong đó có 3 dự án chuẩn bị đầu tư (Dự án Ngầm hoá đường Cách Mạng Tháng Tám từ cầu Quan đến đường Điện Biên Phủ; Dự án Đường Trường Hòa - Chà Là (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến Đường tỉnh 784); Tiểu dự án Bồi thường giải phóng mặt bằng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài). 9 dự án thực hiện đầu tư (7 dự án chuyển tiếp, 2 dự án khởi công mới). Trong đó, Dự án Nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 782 - Đường tỉnh 784 (đoạn từ tuyến tránh Quốc lộ 22 đến ngã tư Tân Bình) đã giải ngân 1 tỷ đồng, đạt 0,77% kế hoạch vốn năm 2022 (129,2 tỷ đồng); Dự án đường Đất Sét - Bến Củi đã giải ngân 600 triệu đồng, đạt 0,52% kế hoạch vốn năm 2022 (115 tỷ đồng); Dự án cầu An Hòa có tỷ lệ giải ngân đạt 1,46%...

Nguyên nhân dẫn tới chậm giải ngân đầu tư công, theo chủ đầu tư này, là công tác giải phóng mặt bằng chậm hơn so với kế hoạch. “Nhân sự trung tâm phát triển quỹ đất các huyện còn ít so với khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, đồng thời còn một số hộ chưa đồng ý bàn giao, ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Trong khi đó, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng mạnh, đặc biệt là giá nhựa đường, nguồn cung ứng lại rất hạn chế, đồng thời hợp đồng thi công xây dựng đều theo đơn giá cố định khiến nhà thầu thi công gặp khó khăn”, ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án ngành giao thông Tây Ninh cho biết.

Để thúc giải ngân đầu tư công, UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, phải quyết liệt triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức “cuốn chiếu”. Theo đó, các sở, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án bằng phương pháp kiểm kê đi kèm với phê duyệt và chi trả chi phí bồi thường, bàn giao ngay mặt bằng cho nhà thầu để thi công. Ngoài ra, Tỉnh yêu cầu chủ đầu tư theo dõi sát tình hình biến động của giá cả nguyên, nhiên, vật liệu, đánh giá những tác động tiêu cực của việc biến động giá đối với giá thành các dự án đầu tư xây dựng để kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền.

Sở KH&ĐT Tây Ninh yêu cầu các chủ đầu tư giám sát hoạt động thi công của nhà thầu, tránh tình trạng gián đoạn do biến động giá vật liệu.

Chuyên đề