Giải ngân đầu tư công: Dồn lực cho chặng “nước rút”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhìn vào số liệu của Bộ Tài chính vừa công bố, lượng vốn cần giải ngân của kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 còn rất lớn, đòi hỏi phải tập trung cao độ cho nhiệm vụ này trong thời gian tới để bảo đảm tiến độ và chất lượng giải ngân.
Hàng loạt dự án trọng điểm của TP.HCM như: Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa vào nhà ga T3; Dự án Nút giao thông An Phú… đến nay đều đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu.
Hàng loạt dự án trọng điểm của TP.HCM như: Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa vào nhà ga T3; Dự án Nút giao thông An Phú… đến nay đều đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu.

Là một trong những địa phương có số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 lớn nhất cả nước, đến hết ngày 25/11/2022, TP.HCM mới giải ngân được 12.665/37.463 tỷ đồng (đạt 34%). Con số trên được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với TP.HCM ngày 27/11/2022. Theo ông Mãi, ngay từ đầu năm, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, kết quả đến nay vẫn rất thấp.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (BQLDA) cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch kéo dài trong 2 năm, nhiều thủ tục bị ngưng trệ, khâu giải phóng mặt bằng ách tắc trầm trọng nên các dự án “án binh bất động”. Hàng loạt dự án trọng điểm của Thành phố như: Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa vào nhà ga T3; Dự án Nút giao thông An Phú; Quốc lộ 50… đến nay đều đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu.

Dù vậy, theo BQLDA, các chủ đầu tư đã quyết liệt, tăng tốc công tác chuẩn bị để khi triển khai thi công dự án sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư. Các dự án giao thông Thành phố cam kết sẽ giải ngân vốn hết niên độ theo kế hoạch.

Ngoài TP.HCM, theo Bộ Tài chính, còn 27 bộ và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân 11 tháng năm 2022 đạt dưới 50% như: Hà Giang (31,4%); Cao Bằng (32,6%); Quảng Trị (trên 40%); Hòa Bình (44,8%). Số liệu giải ngân chung của cả nước đạt 52,43% kế hoạch, nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao, tỷ lệ giải ngân đạt 58,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (63,86%).

Theo nhiều bộ, địa phương, ngoài các nguyên nhân chung như giá cả nguyên vật liệu tăng cao, tình hình thời tiết, khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…, nhiều địa phương hiện đang triển khai thực hiện lập quy hoạch, nên nhiều địa bàn thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Một số dự án khởi công mới thực hiện đấu thầu vào quý III/2022 với các gói thầu có giá trị lớn; một số dự án có thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư dự án bị kéo dài do một số hạng mục công việc không thống nhất ý kiến giữa các đơn vị thẩm định. Một số dự án đặc thù cung cấp thiết bị khoa học là thiết bị cần được đặt hàng, chế tạo tại nước ngoài nên thời điểm bàn giao thiết bị tập trung vào cuối năm…

Cũng nằm trong danh sách địa phương giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân của cả nước, tỉnh Cao Bằng đang huy động tổng lực cho công tác giải ngân vốn đầu tư công. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng vừa có công điện yêu cầu người đứng đầu sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị chủ đầu tư đề cao trách nhiệm, sát sao, cụ thể, nắm chắc tình hình thực hiện từng dự án; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay những tồn tại, bất cập. Đồng thời, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “giữ vốn"; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, chỉ đạo thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng. Các cơ quan chuyên môn tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác thẩm định, nâng cao chất lượng tham mưu, thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30 - 50% so với quy định...

Ngày 22/11/2022, Tỉnh ủy Hà Giang cũng ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó nêu rõ, người đứng đầu các tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, ban ngành chủ động, nắm chắc tình hình, nhận diện rõ các nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm của từng dự án, tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường, chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án để trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, có chế tài xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Trên bình diện cả nước, ngày 10/11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1076/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Công điện nêu rõ các các bộ, ngành, địa phương cần tập trung, phấn đấu cao nhất để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch Thủ tướng giao.

Tuy tỷ lệ giải ngân thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng về số tuyệt đối, lượng vốn giải ngân được của 11 tháng năm 2022 cao hơn, do tổng số vốn của năm 2022 tăng hơn so với năm 2021 khoảng 120 nghìn tỷ đồng. Theo nhiều địa phương, nguồn vốn đầu tư công sẽ được giải ngân mạnh vào 2 tháng cuối của niên độ ngân sách, khi các đơn vị đồng loạt thực hiện thủ tục thanh toán, quyết toán khối lượng công việc đã thực hiện.

Chuyên đề