GS.VS.TSKH. Trần Đình Long |
Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển dịch năng lượng với tốc độ ngày càng nhanh. Theo ông, nguồn nhân lực đóng vai trò như thế nào trong quá trình này?
Chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải là xu thế chung của toàn cầu. Để chuẩn bị cho quá trình đó, bên cạnh việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, một yếu tố rất quan trọng là nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, là đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn về công nghệ mới. Đội ngũ này gồm nhiều nhóm nguồn nhân lực khác nhau, như: cán bộ lập quy hoạch, cán bộ quản lý vận hành, cán bộ quản lý kiểm tra…, đòi hỏi sự đào tạo có tính hệ thống, bài bản.
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045, cả nước có trên 75% là năng lượng tái tạo (NLTT). Các nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng, đối với năng lượng gió và mặt trời, khoảng 25% số việc làm tạo ra là dành cho lao động tay nghề cao. Nhu cầu lao động có tay nghề cao trong ngành năng lượng dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong thập kỷ tới tại Việt Nam. Do đó, năng lực của các cơ sở đào tạo cần theo kịp xu hướng phát triển này để có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, bồi dưỡng và nâng tầm kỹ năng là giải pháp cần thiết để hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, chuyển đổi việc làm. Từ đó, duy trì sinh kế và ổn định cuộc sống trong quá trình chuyển đổi.
Với yêu cầu như trên, theo ông, Việt Nam đang gặp những thách thức gì về nguồn nhân lực?
Thời gian qua, tốc độ phát triển nhanh chóng của lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã bộc lộ tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực này, từ khâu vận chuyển, lắp ráp, vận hành, kiểm định, giám sát đến bảo trì, bảo dưỡng.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực còn chưa đồng đều, thiếu chuyên gia, đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Năng suất lao động trong một số lĩnh vực năng lượng còn thấp.
Tất cả những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu cần có sự chủ động trong chiến lược, kế hoạch đào tạo, chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực năng lượng xanh; bảo đảm vừa khai thác, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực hiện có, vừa tận dụng được các thành tựu tiên tiến của khoa học, công nghệ, các kỹ năng lao động mới liên quan đến chuyển dịch năng lượng.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, đối với năng lượng gió và mặt trời, khoảng 25% số việc làm tạo ra là dành cho lao động tay nghề cao. Ảnh: Lê Tiên |
Việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho chiến lược chuyển dịch năng lượng được các nước thực hiện như thế nào, thưa ông?
Để thực hiện chiến lược chuyển đổi năng lượng xanh, các nước trên thế giới đều hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng, bồi đắp lực lượng lao động, xây dựng cơ chế, chính sách có tầm nhìn dài hạn để thúc đẩy sự phát triển các loại hình việc làm mới và việc làm gián tiếp liên quan đến chuyển dịch năng lượng. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ đồng thời nhóm lao động ngành nghề xanh và nhóm lao động trong ngành năng lượng truyền thống chuyển đổi sang.
Đáng chú ý, hệ thống giáo dục các nước chú trọng xây dựng nhận thức về chuyển đổi năng lượng xanh từ thế hệ mầm non và trong các chương trình đào tạo từ cấp tiểu học đến hết phổ thông. Bên cạnh đó, các chương trình truyền thông được đẩy mạnh theo hướng khuyến khích việc thực hiện các nghiên cứu khoa học về chuyển đổi năng lượng xanh, tăng sử dụng nguồn năng lượng thân thiện môi trường… Đồng thời, đặt ra các yêu cầu bắt buộc về tiêu chuẩn phát thải của các phương tiện vận tải và cấm vận hành nếu không đạt chuẩn. Bên cạnh chủ trương, các nước dành nguồn kinh phí rõ ràng cho các chiến lược hỗ trợ đào tạo và nâng cao nhận thức về việc này.
Đối với Việt Nam, cần có các chính sách ưu tiên phát triển nhân lực lĩnh vực này như thế nào, theo ông?
Cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực tổng thể và các chương trình đào tạo cho những khâu then chốt của ngành năng lượng. Đồng thời, tổ chức đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý, hướng tới việc nâng dần chất lượng nguồn nhân lực lên ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới.
Tăng cường đào tạo nghề để xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu; sử dụng có hiệu quả số nhân lực đã được đào tạo song song với đào tạo nâng cao nhân lực năng lượng nguyên tử.
Về lâu dài, để phát triển bền vững nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, cần xây dựng chương trình đào tạo từ môi trường phổ thông, xây dựng và mở rộng các khoa đào tạo tại trường đại học. Hiện nay, một số cơ sở đào tạo đã quan tâm và xây dựng chương trình đào tạo về quản lý môi trường, chuyển đổi năng lượng sạch, nhưng số lượng còn quá ít, nguồn giảng viên cũng chưa đủ. Do đó, cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu và xây dựng chương trình đào tạo dựa trên tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp các yêu cầu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, để thu hút sinh viên vào học những ngành này, cần có cơ chế hỗ trợ về học phí, học bổng, gắn với cam kết về bảo đảm đầu ra cho những sinh viên có kết quả học tập tốt. Thực tế, năng lượng xanh là một ngành học và nghiên cứu thú vị với nhiều công nghệ mới mẻ và có ích. Do đó, nếu có các chính sách khuyến khích thì sẽ thu hút được nguồn nhân lực tài năng, chất lượng cao.