Căng thẳng địa chính trị vẫn là nguyên nhân khiến nhu cầu trú ẩn an toàn vào vàng gia tăng. Song song đó, đồng USD trượt dốc mạnh trong suốt tuần này cũng là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho giá vàng đi lên.
Theo đó, chốt phiên giao dịch tại New York ngày 13/4, giá giao ngay lên 1.287,8 USD - mức cao nhất 5 tháng, tăng khoảng 2 USD so với phiên liền trước. Trong khi đó, các hợp đồng giao tháng 6 chốt ngày tăng khoảng 10,5 USD, lên 1.288,5 USD.
Đà tăng vẫn duy trì trong phiên giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á. Tính đến 8h20, giờ Hà Nội, mỗi ounce có giá 1.288 USD, tăng khoảng một USD so với mở cửa.
Căng thẳng địa chỉnh trị đang là nhân tố có lợi cho giávàng tăng. Ảnh:PV.
Nếu căn cứ theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện có giá khoảng 35,25 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Trong khi đó, mức giá đóng cửa của vàng miếng trong nước xoay quanh 36,76-36,86 triệu đồng, tức cao hơn giá thế giới khoảng 1,5 triệu đồng mỗi lượng.
Hiện nay, nguy cơ địa chính trị gia tăng vẫn đang là tâm điểm của thị trường thế giới. Cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và Nga kết thúc vào hôm thứ Tư mà không đạt được kết quả gì và có khả năng đẩy hai bên đi sâu vào chia rẽ. Điều này khiến giới đầu tư sẽ gia tăng nhu cầu trú ẩn an toàn vào vàng.
Ngoài ra, chiều thứ Tư, tờ Wall Street Journal đã phát cuộc phỏng vấn với Tổng thống Trump, trong đó ông cho biết giá trị đồng đôla Mỹ quá mạnh và lãi suất của nước này ở mức thấp và nó sẽ gây tổn hại kinh tế Mỹ. Thông tin tiêu cực này đã khiến chỉ số đôla Mỹ bị sụt giảm, vàng và bạc tăng lên trong bối cảnh thị trường chứng khoán nước này bán tháo.
Hiện giới đầu tư đang kỳ vọng giá vàng có thể tiến thẳng tới mốc 1.300 USD như diễn biến hồi đầu tháng 11/2016 nhờ sự hỗ trợ từ thông tin chưa tăng lãi suất của Fed và bất ổn chính trị tại Triều Tiên, Trung Đông.