Sau 9 lần nới hạn vay ngân hàng, PVTex vẫn muốn được tiếp tục cơ cấu lại nợ. |
Trong văn bản kiến nghị mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) một lần nữa đề nghị các cấp có thẩm quyền, ngân hàng xem xét gia hạn nợ cho Công ty cổ phần Hoá chất và xơ sợi Đình Vũ (PVTex) nhằm gỡ khó và cứu dự án 7.000 tỷ đồng đang đắp chiếu. Kiến nghị này được PVN lần nữa đưa ra trên cơ sở đề xuất của cổ đông PVTex.
Theo đó, PVN đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng xem xét, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay với dự án này. Tuy nhiên đáp lại đề nghị này Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc xem xét gia hạn nợ cho PVTex hay không thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của các ngân hàng. “Bộ Công Thương cần chỉ đạo PVN, PVTex làm việc với các ngân hàng cho vay để được xử lý”, cơ quan này gợi ý.
Theo báo cáo của các ngân hàng về dự án PVTex, các nhà băng đã có tới 9 lần cơ cấu lại khoản vay trung dài hạn cho PVTex. Tại phương án cơ cấu nợ lần 9 (ngày 31/12/2014) PVTex được các ngân hàng nới thời gian vay từ 10 năm lên thành 19,5 năm.
Cũng theo báo cáo này, do PVTex không có khả năng trả nợ gốc và lãi đến hạn, nên ngân hàng đầu mối cấp tín dụng là BIDV đã có công văn ngày 30/11/2017 gửi PVN đề nghị hỗ trợ PVTex nguồn vốn để thanh toán các nghĩa vụ nợ gốc, lãi và phí đến hạn tháng 6/2017, số tiền hơn 7 triệu USD; đồng thời, thu xếp vốn để thanh toán toàn bộ nghĩa vụ nợ còn lại của PVTex với các ngân hàng tài trợ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc ký kết, thực hiện các cam kết bảo lãnh cho PVTex của PVN để thực hiện dự án này với các ngân hàng tài trợ trên nguyên tắc tự nguyện của các bên. Do đó, cơ quan này cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo PVN, PVTex làm việc với các ngân hàng để thoả thuận, thống nhất phương án xử lý.
PVTex là một trong số 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc PVN của ngành Công Thương. Dự án này bắt đầu xây dựng cuối năm 2008 với tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỷ đồng). Tháng 5/2014 PVTex đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Làm ăn thua lỗ khiến PVTex phải dừng vận hành từ 17/9/2015 đến nay, nhiều nhân sự phải nghỉ việc tạm thời.
Năm 2015, doanh nghiệp này lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ. Trước đó trong năm 2014, doanh thu của nhà máy này cũng chỉ đạt 992 tỷ đồng, lỗ 1.085 tỷ.
Trong số các giải pháp xử lý những dự án thua lỗ, phương án phá sản được đề cập với PVTex là cho phá sản nếu việc cổ phần hoá, thoái vốn tại đơn vị này không thành công.