Giá điện tăng, doanh nghiệp thêm áp lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù biết trước giá điện sẽ tăng, nhưng theo nhiều doanh nghiệp (DN), việc giá điện tăng thêm 4,5% kể từ ngày 9/11/2023 khiến hoạt động kinh doanh của DN trong nhiều ngành chịu áp lực rất lớn. Những ngành chịu áp lực lớn nhất là sắt, thép, xi măng, hóa chất, do tính chất phải tiêu thụ điện năng lớn trong quá trình vận hành.
Một vài doanh nghiệp đã điều chỉnh giá bán thép thêm 100.000 đồng/tấn ở một số chủng loại sản phẩm sau khi giá điện tăng. Ảnh: Nhã Chi
Một vài doanh nghiệp đã điều chỉnh giá bán thép thêm 100.000 đồng/tấn ở một số chủng loại sản phẩm sau khi giá điện tăng. Ảnh: Nhã Chi

Gia tăng gánh nặng chi phí

Theo tính toán của một DN sản xuất thép lớn ở khu vực phía Bắc, giá điện tăng 4,5% sẽ làm chi phí sản xuất thép tăng từ 4 - 5 USD/tấn. Chi phí sản xuất tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của các DN sản xuất thép, vốn đang rất khó khăn vì thị trường xây dựng, bất động sản trầm lắng trong thời gian dài.

Theo đại diện Phòng Kinh doanh Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, sức cầu của thị trường trong nước và quốc tế với ngành xi măng hiện rất yếu, hoạt động của DN gặp rất nhiều khó khăn khi hàng tồn kho gia tăng. Thời gian qua, các DN đã liên tục nỗ lực tiết kiệm chi phí, với mong muốn cải thiện sức cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, giá điện tăng tạo thêm áp lực mới, ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu, lợi nhuận của DN, mục tiêu tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Trong bức tranh toàn ngành, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, năm 2023, ngành xi măng khó vượt qua tình trạng tăng trưởng âm, do thị trường bất động sản đóng băng, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công đến nay còn chậm.

Kết quả nghiên cứu vừa được Công ty CP Chứng khoán MBS công bố cho thấy, quyết định điều chỉnh giá điện tăng từ ngày 9/11/2023 có tác động tích cực tới khối DN ngành điện, trong đó các DN phát điện sẽ hưởng lợi nhất, chủ yếu do khả năng thanh toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được cải thiện, hỗ trợ dòng tiền và hiệu quả kinh doanh của các DN trong ngành. Tuy nhiên, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN khác, nhất là các DN trong ngành tiêu thụ điện lớn như xi măng, sắt thép, hóa chất.

Cụ thể, MBS cho biết, điện chiếm khoảng 10 - 15% giá vốn của các DN sản xuất thép, tính bình quân trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Theo đó, giá điện tăng có thể làm giá vốn ngành này tăng thêm 0,6%. Một số DN thép sẽ bị ảnh hưởng như Thép Hoà Phát, Tổng công ty Thép Việt Nam, Thép Pomina…

Với ngành xi măng, đây là ngành thâm dụng điện cao, tiền điện chiếm 14 - 15% giá thành sản xuất. MBS nhận định, giá vốn ngành này sẽ tăng ở tỷ lệ cao hơn ngành thép. Đối với ngành hóa chất, chi phí điện năng chiếm khoảng 9% tổng chi phí sản xuất, nên nhóm DN này cũng chịu tác động đáng kể từ thực tế giá điện tăng.

Doanh nghiệp phải ứng phó theo cách nào?

Ứng phó với tác động của tăng giá điện, đại diện Xi măng Hoàng Thạch cho biết, từ nay tới cuối năm, Công ty sẽ cố gắng chưa tăng giá bán để duy trì sức cạnh tranh. Sang năm 2024 sẽ “tính tiếp”. Vicem Hoàng Thạch sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí sản xuất, trường hợp buộc phải tăng giá thì DN mới tăng.

Tương tự, với ngành thép, trong bối cảnh sức cầu của thị trường khó khăn kéo dài, chi phí sản xuất tăng, hàng loạt giải pháp cắt giảm chi phí đã được các DN trong ngành thực hiện. Tuy nhiên, việc giá điện tăng sẽ khó tránh khỏi tình trạng một số DN phải điều chỉnh giá bán thép theo hướng tăng. Đơn cử, ngày 13/11/2023, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên có thông báo gửi khách hàng quyết định tăng giá bán sản phẩm. Một số DN thép khác cũng dự kiến tăng giá bán sản phẩm từ ngày 17/11/2023.

Khuyến nghị với nhóm đối tượng khách hàng sử dụng nhiều điện, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh thuộc EVN cho rằng, số tiền điện tăng thêm phụ thuộc vào hành vi sử dụng của khách hàng và tỷ lệ sử dụng điện trong tổng giá thành của DN. Để giảm thiểu sự ảnh hưởng của giá điện tăng, DN cần thực thiện các giải pháp như: điều chỉnh giờ sản xuất vào giờ thấp điểm; đầu tư thay đổi công nghệ hiện đại…

Để giảm bớt khó khăn, thách thức cho DN vào mùa cao điểm sản xuất cuối năm, bên cạnh việc DN chủ động tìm kiếm giải pháp cho mình, một số chuyên gia kiến nghị, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong hỗ trợ DN thông qua các giải pháp thiết thực. Cụ thể, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục giảm chi phí tuân thủ cho DN…

Chuyên đề