Cách tốt nhất để doanh nghiệp tiết giảm chi phí khi giá điện tăng là đổi mới công nghệ. Ảnh: Lê Tiên |
Vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019
Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương cho biết, kể từ ngày 20/3/2019, giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh với mức giá mới là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh).
Mức giá bán lẻ điện mới nằm trong khung giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quyết định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 và Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.
Bộ Công Thương cho biết đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát các thông số đầu vào để tính toán giá điện năm 2019, bao gồm các thông số của tất cả các khâu và phân bổ chênh lệch tỷ giá còn treo…
Với mức tăng này, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, CPI năm 2019 tăng khoảng 3,3 - 3,9%. Như vậy, “việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%”, Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh và cho biết thêm, các phương án điều chỉnh giá điện đã được báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại cuộc họp Thường trực Chính phủ.
Doanh nghiệp chật vật xoay sở
Trước thông tin điều chỉnh tăng giá điện, nhiều doanh nghiệp sản xuất tỏ ra lo lắng. Theo ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex), việc tăng giá điện ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí sản xuất và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt với mức tăng đáng kể lên đến 8,36%.
“Doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi như Aprocimex phải dùng điện trong nhiều khâu như nghiền, trộn, đóng bao, vận hành sản xuất cũng như vận chuyển ra kho… Khi giá điện tăng 8,36%, chi phí sản xuất của chúng tôi sẽ tăng thêm khoảng 0,2% cho mỗi kilogram sản phẩm - một con số rất đáng suy xét”, ông Lý nói và bình luận thêm: “Khi chi phí đầu vào tăng, giá thành sản phẩm chắc chắn tăng. Điều này gây khó cho nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hiện nay”.
Trên thị trường vật liệu xây dựng, ông Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tiêu thụ lượng điện năng khá lớn nên việc tăng giá điện là rất đáng ngại.
Chung nhận định này, đại diện Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch khẳng định: “Chắc chắn trước mắt sẽ ảnh hưởng tới sản xuất của doanh nghiệp, bởi giá điện tăng nhưng doanh nghiệp khó lòng tăng giá bán sản phẩm ngay sau đó”. Tính toán của doanh nghiệp này cho thấy, hiện giá điện đang chiếm khoảng 14% giá thành sản phẩm. Nếu giá điện tăng thêm khoảng 8%, chắc chắn chi phí giá điện sẽ tăng lên mức 15 - 16% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Mức chênh lệch này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất.
Cũng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp thép sẽ chịu tác động đáng kể bởi đây là nhóm doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn để vận hành các nhà máy sản xuất. Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đều đang rất lo ngại và tính toán nhiều cách để giảm mức tăng giá thành và giá bán sản phẩm, song việc thực hiện là không dễ dàng.
Để ứng phó với tình thế này, ông Thái Duy Sâm cho rằng, cách tốt nhất là doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí hơn nữa bằng việc đổi mới công nghệ. “Trước mắt, có thể sử dụng nhiệt thừa của các nhà máy để sản xuất, tăng cường các giải pháp giảm tiêu hao năng lượng, sử dụng phụ gia giảm lượng clinker…”, ông Sâm nói.
Đại diện Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch cho biết, doanh nghiệp đang thực hiện tổng hợp nhiều giải pháp để tiết kiệm điện như: Rà soát tại toàn bộ phụ tải để đưa thiết bị chạy tiết kiệm điện (biến tần); chạy thiết bị máy nghiền vào giờ thấp điểm; sử dụng các bóng đèn tiết kiệm điện…