Giá dầu tăng mạnh nhất gần 1 tháng

Giá dầu thế giới tăng hơn 4% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hưởng ứng sự đi lên của các tài sản rủi ro trên toàn cầu...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu thế giới tăng hơn 4% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hưởng ứng sự đi lên của các tài sản rủi ro trên toàn cầu, khi nhà đầu tư lạc quan về tin tức từ Hồng Kông và dự báo cho rằng tồn kho dầu của Mỹ tiếp tục sụt giảm.

"Tâm lý lạc quan có lợi cho các tài sản rủi ro. Các chỉ số chứng khoán Mỹ và toàn cầu đi lên khiến giới đầu tư bán khống dầu phải lùi bước, ít nhất ở thời điểm hiện tại", nhà phân tích kỹ thuật Fawad Razaqzada thuộc Forex.com nhận xét với trang MarketWatch.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao tháng 10 tại New York tăng 2,32 USD/thùng, tương đương tăng 4,3%, đạt 56,26 USD/thùng.

Đây là mức tăng mạnh nhất của dầu WTI kể từ hôm 10/7. Trước đó, trong phiên ngày thứ Ba, giá dầu WTI giảm 2,1%, xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần.

Giá dầu Brent giao tháng 10 tại thị trường London tăng 2,44 USD/thùng, tương đương tăng 4,2%, đạt 60,7 USD/thùng. Trước phiên này, giá dầu Brent đã có 3 phiên giảm liên tiếp.

Việc lãnh đạo Hồng Kông tuyên bố chính thức rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi - nguyên nhân gây biểu tình rầm rộ suốt 3 tháng qua - đã trở thành cú huých lớn cho tài sản rủi ro trên toàn cầu trong phiên ngày thứ Tư.

Thị trường chứng khoán Hồng Kông tăng 3,9%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Chứng khoán Mỹ cũng bật tăng sau phiên sụt giảm vào ngày thứ Ba.

Vào ngày thứ Năm, Cơ quan Thông tin năng lượng (IEA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ sẽ công bố báo cáo hàng tuần về lượng dầu tồn kho của nước này. Theo dự báo của giới phân tích, lượng dầu tồn kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 30/8 giảm 1,9 triệu thùng, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn đang lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ dầu do thương chiến Mỹ-Trung vẫn chưa có hồi kết. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều có nhiều dấu hiệu của sự suy giảm tăng trưởng trong thời gian gần đây.

Trong đó phải kể đến dữ liệu do Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) công bố hôm thứ Ba cho thấy ngành sản xuất của Mỹ suy giảm trong tháng 8. Vào cuối tuần trước, Mỹ và Trung Quốc có đợt áp thuế mới lên hàng hóa của nhau và đến nay vẫn chưa đưa ra được một kế hoạch cụ thể cho việc nối lại đàm phán trực tiếp trong tháng 9 này.

Chuyên đề