Giá dầu đã giữ đà tăng từ tháng 5, sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp trừng phạt trở lại đối với Tehran. |
Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, với giá dầu Brent đạt mức cao nhất gần 4 năm và giá dầu WTI lập đỉnh của hơn 2 tháng, do nỗi lo thiếu cung.
Trong một cuộc họp vào cuối tuần vừa rồi, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các đối tác ngoài khối, bao gồm Nga, tuyên bố không tăng thêm sản lượng khai thác dầu. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi OPEC nâng sản lượng để "hạ nhiệt" giá dầu.
Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 2,4 USD/thùng, tương đương tăng gần 3,1%, chốt ở 81,2 USD/thùng. Trang MarketWatch dẫn số liệu từ Dow Jones cho biết đây là mức giá chốt phiên cao nhất của dầu Brent kể từ ngày 12/11/2014.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI tăng 1,3 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, đạt 72,08 USD/thùng. Đây là mức giá chốt phiên cao nhất của dầu WTI từ ngày 10/7.
Tuần trước, giá dầu Brent đã tăng 0,9% và giá dầu WTI tăng 2,6%.
OPEC và các đối tác ước tính rằng xuất khẩu dầu của Iran sẽ giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày sau khi Mỹ tái áp cá biện pháp trừng phạt lên ngành dầu lửa của nước này kể từ ngày 4/11. Tuy vậy, OPEC nói rằng mức sản lượng hiện nay của khối là đã đủ cho thị trường và tuyên bố sẽ không sớm tăng mức khai thác.
Giới phân tích cho rằng việc không nâng sản lượng có thể là một tín hiệu cho thấy OPEC sẵn sàng để cho giá dầu tăng cao hơn.
"Rõ ràng, OPEC không có lợi lộc gì trong việc gây xáo trộn thế cân bằng hiện nay trên thị trường dầu lửa", nhà phân tích Naeem Aslam thuộc Think Markets nhận xét. "Nga cũng gửi đi một thông điệp tương tự, rằng họ không muốn làm gì ảnh hưởng đến thị trường dầu vào lúc này".
Giá dầu đã giữ đà tăng từ tháng 5, sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp trừng phạt trở lại đối với Tehran. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), xuất khẩu dầu của Iran đã giảm 500.000 thùng/ngày trong thời gian từ tháng 4 đến nay.
Cuối tháng 6, OPEC và Nga nhất trí nâng sản lượng khai thác thêm 1 triệu thùng/ngày để kiềm chế đà tăng của giá dầu. Trước cuộc họp của OPEC và đối tác ở Algeria vào cuối tuần vừa rồi, có nhiều đồn đoán cho rằng khối sẽ nâng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày nữa. Tuy nhiên, đồn đoán này đã không trở thành hiện thực.
Giá dầu tăng thời gian qua có vẻ như đã khiến ông Trump lo lắng, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng 11 đang đến gần. Tuần trước, ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter rằng OPEC "phải hạ giá dầu xuống ngay". Mặc dù vậy, lời kêu gọi này của ông đã bị OPEC bác bỏ.
Theo tờ Wall Street Journal, các bộ trưởng dầu lửa từ OPEC và Nga đã không nhất trí được về việc phân bổ gia tăng sản lượng để bù đắp nguồn dầu hao hụt từ Iran.
Còn theo hãng tin Bloomberg, ở thời điểm này, một số nhà giao dịch trên thị trường dầu lửa đã bắt đầu tính đến khả năng giá dầu tăng vượt 100 USD/thùng.