Một trạm xăng ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: AP. |
Giá dầu thế giới đang đứng trước khả năng vượt mốc 80 USD/thùng, giữa lúc nhu cầu tiêu thụ dầu tại châu Á cao kỷ lục. Trong bối cảnh đó, khu vực này có thể phải tiêu tốn 1 nghìn tỷ USD để nhập khẩu dầu trong năm nay, tăng gấp đôi so với các năm 2015-2016 khi giá dầu giảm sâu.
Theo hãng tin Reuters, từ tháng 1 đến nay, giá dầu thô đã tăng 20%, tiến sát mốc 80 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2014.
Cùng với đó, đồng USD tăng giá, khiến chi phí nhập khẩu xăng dầu càng tăng, đặt ra lo ngại về tác động tiêu cực với nhiều nước ở châu Á - khu vực có mức độ phụ thuộc cao vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Những ảnh hưởng này có thể rơi vào cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp.
"Châu Á là khu vực dễ tổn thương nhất do giá dầu tăng", ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets cảnh báo trong một báo cáo mới đây.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm hơn 35% trong tổng số khoảng 100 triệu thùng dầu mà thế giới sử dụng mỗi ngày. Châu Á cũng là khu vực sản xuất dầu ít nhất thế giới, chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng sản lượng dầu toàn cầu.
Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, với mức nhập 9,6 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 4. Lượng nhập khẩu dầu này của Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng tiêu thụ dầu toàn cầu.
Với giá dầu hiện nay, hóa đơn nhập khẩu dầu của Trung Quốc là khoảng 768 triệu USD mỗi ngày, 23 tỷ USD mỗi tháng, 280 tỷ USD mỗi năm.
Các nước châu Á khác thậm chí còn dễ tổn thương hơn trước giá dầu tăng. Thiệt hại lớn nhất sẽ rơi vào những quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam, những nước không chỉ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu xăng dầu, mà còn không đủ tiềm lực tài chính để hấp thụ sự tăng giá nhiên liệu bất ngờ.
"Những nước nghèo hơn với khả năng vay nợ giới hạn có thể đối mặt với khó khăn tài chính trong bối cảnh hóa đơn nhập khẩu xăng dầu phình to", RBC nhận định.
Trừ phi xăng dầu được trợ giá mạnh, các hộ gia đình và doanh nghiệp tại các quốc gia nghèo hơn sẽ dễ tổn thương hơn trước giá dầu tăng so với hộ gia đình và doanh nghiệp ở các nước giàu hơn.
Tại các nền kinh tế phát triển như Ấn Độ, Việt Nam hay Philippines, chi phí xăng dầu chiếm 8-9% lương tháng bình quân của một người - theo nghiên cứu của Reuters và dữ liệu từ trang thống kê Numbeo. Trong khi đó, tỷ lệ này ở những nước giàu như Nhật Bản và Australia chỉ là 1-2%.
Giá dầu tăng có ảnh hưởng đặc biệt lớn đối với các công ty vận tải và hậu cần. Một số công ty cho biết họ sẽ chuyển phần chi phí gia tăng này sang người tiêu dùng. Một số khác lo ngại nếu tăng giá dịch vụ lên mức quá cao, họ sẽ mất khách hàng.
Xét đến tổn thất kinh tế do giá dầu tăng và sự phụ thuộc của khu vực châu Á vào nhập khẩu xăng dầu, các chuyên gia kinh tế cho rằng đã đến lúc châu Á nên giảm bớt sự phụ thuộc này.
"Điều rất quan trọng là châu Á cần giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng… để bảo vệ mình trước những cú sốc dầu lửa trong tương lai", RBC Capital Markets khuyến cáo.