Công nhân làm việc trên một mỏ dầu ở Basra, Iraq - Ảnh: Reuters. |
Giá dầu thế giới tăng hơn 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, cùng với sự đi lên của chứng khoán thế giới, nhờ kế hoạch hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Phiên tăng này đảo ngược phiên giảm mạnh của giá dầu vào hôm thứ Hai - khi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới công bố những dữ liệu xấu.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 1,6 USD/thùng, tương đương tăng 3,2%, đạt 52,11 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 1,65 USD/thùng, tương đương tăng 2,8%, chốt ở 60,64 USD/thùng.
Trong phiên đầu tuần, giá dầu giảm hơn 2%, sau khi Trung Quốc đưa ra những con số thống kê cho thấy xuất khẩu và nhập khẩu cùng giảm mạnh, làm dấy lên mối lo về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Vào ngày thứ Ba, Ủy ban Phát triển và cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) tuyên bố sẽ có thêm các biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng, trong đó có giảm thuế trên diện rộng. Thông tin này đã giúp cải thiện tâm trạng của giới đầu tư toàn cầu, theo đó đẩy giá các tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu và hàng hóa cơ bản, trong đó có dầu thô, đi lên.
"Một phần nỗi sợ về sự giảm tốc kinh tế trong 2019 đã lắng xuống", ông Gene McGillian, Giám đốc nghiên cứu thị trường thuộc Tradition Energy, phát biểu. "Thị trường phấn khởi vì thông tin cho thấy nền kinh tế có thể sẽ tốt lên".
Nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga cũng đã bắt đầu xoa dịu mối lo về tình trạng dư cung dầu. Theo thỏa thuận này, OPEC và đối tác sẽ giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong nửa đầu năm 2019 nhằm giảm lượng tồn kho dầu trên toàn cầu.
Dữ liệu từ Mỹ cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động ở nước này giảm nhẹ còn 873 giàn vào đầu năm nay - dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng sản lượng dầu của Mỹ có thể chững lại. Ngoài ra, một cuộc khảo sát của Reuters dự báo tồn kho dầu của Mỹ có thể đã giảm trong tuần trước.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng sự phục hồi của giá dầu có thể không kéo dài lâu, bởi triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu u ám có thể kéo lùi nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
"Bất kỳ sự phục hồi nào của giá dầu cũng khó bền vững trong nửa đầu năm nay, đơn giản bởi nhu cầu tiêu thụ dầu do OPEC cung cấp có thể thấp hơn nguồn cung từ khối này", chiến lược gia Tamas Varga của PVM Oil Associates phát biểu.
Những thông tin tích cực vào ngày thứ Ba, và hy vọng Mỹ-Trung sẽ đạt một thỏa thuận thương mại, đã hỗ trợ cho giá dầu và chứng khoán thời gian gần đây. Mặc dù vậy, mối lo về suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn đè nặng lên thị trường.
"Có vẻ như thị trường đang có một quãng thời gian đầy khó khăn để xác định xem nên tin vào điều gì", công ty tư vấn thị trường năng lượng JBC Energy nhận định trong một báo cáo.