Giá dầu châu Á tăng. Ảnh: TTXVN phát |
Giá dầu châu Á đi lên trong phiên ngày 12/2 trong bối cảnh kế hoạch cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng như lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela đang tác động đến thị trường dầu thế giới.
Mặc dù giới phân tích dự đoán sản lượng ngày tăng của Mỹ và những quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế sẽ hạn chế đà tăng của giá "vàng đen".
Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, lúc 15 giờ 51 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) được giao dịch ở mức 52,69 USD/thùng, tăng 28 xu Mỹ (0,5%) so với mức đóng phiên trước đó.
Các nhà giao dịch cho rằng việc đóng cửa một phần đường ống dẫn dầu Keystone vận chuyển dầu từ Canada sang thị trường Mỹ cũng đã giúp đẩy giá dầu WTI đi lên.
Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 38 xu Mỹ (0,6%) lên 61,89 USD/thùng.
Ngân hàng J.P. Morgan của Mỹ nhận định nếu cuộc đàm phán nhằm chấm dứt những tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc đạt kết quả tích cực, các thị trường dầu sẽ chuyển sự chú ý từ những lo ngại mang tính vĩ mô tác động đến tăng trưởng nhu cầu trong tương lai sang những rủi ro địa chính trị tác động trực tiếp đến nguồn cung.
Với việc OPEC cam kết quản lý nguồn cung và khu vực Trung Đông bị vướng vào các cuộc xung đột, trong khi sản lượng của các nhà sản xuất ngoài OPEC tăng lên, ngân hàng Merrill Lynch thuộc Bank of America cho biết thị phần toàn cầu của OPEC sẽ giảm do tổng sản lượng dầu của tổ chức này sẽ giảm từ 31,9 triệu thùng/ngày năm 2018 xuống còn 29 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
Nguồn cung ngày càng tăng tại Mỹ và khả năng kinh tế chậm lại trong năm nay cũng có thể tác động xấu đến các thị trường dầu mỏ.
Ngân hàng Bank of America dự báo giá dầu Brent và WTI sẽ được giao dịch lần lượt ở mức trung bình 70 USD/thùng và 59 USD/thùng trong năm 2019, và 65 USD/thùng và 60 USD/thùng trong năm 2020./.