Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg. |
Trong phiên bán tháo vào đầu tuần - khi thị trường lo ngại về sự suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu do biến chủng Delta của Covid-19 lan rộng – giá dầu đã “bốc hơi” khoảng 7%.
“Nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ mức đáy này của giá dầu để mua vào”, ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau của Mizuho, nhận định với hãng tin CNBC.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,73 USD/thùng, tương đương tăng 1%, chốt ở 69,35 USD/thùng. Trong phiên trước, dầu Brent giảm giá 6,8%. Hồi đầu tháng 7, giá dầu Brent có lúc đạt hơn 77 USD/thùng, cao nhất từ cuối 2018.
Tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao sau tăng 1,5%, chốt ở 67,42 USD/thùng, dù có lúc giảm về 65,21 USD/thùng trong phiên. Giá dầu WTI đã giảm 7,5% trong phiên ngày thứ Hai.
Với tâm lý còn bấp bênh, các nhà đầu tư không dám chắc giá dầu có thể duy trì đà hồi phục.
“Với tình hình hiện nay, rất khó để cho rằng giá dầu sẽ sớm hồi phục hoàn toàn chừng nào nỗi lo sợ về virus còn chưa được kiểm soát”, chuyên gia Stephen Brennock của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil phát biểu. “Thị trường rõ ràng còn đang bất an về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu”.
Giới chức Mỹ ngày 20/1 tuyên bố biến chủng Delta đã trở thành biến chủng chủ đạo của Covid-19 trên thế giới. Tuy nhiên, với cái nhìn tương đối lạc quan, nhà phân tích Julius Baer của Carsten Menke không cho rằng Delta có thể phá hỏng sự phục hồi của kinh tế toàn cầu dù có khả năng gây ra những “cơn nấc ở tầm khu vực”.
Trước mắt, giá dầu đang được hỗ trợ bởi nguồn cung dầu thắt chặt. Vấn đề này vẫn đang ảnh hưởng nhiều hơn đến giá dầu so với ảnh hưởng của mối lo về biến chủng Delta.
Lượng dầu tồn kho ở Mỹ được dự báo giảm trong tuần trước, đánh dấu tuần giảm thứ 9 liên tiếp.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng 6,6% trong năm 2021. Hôm Chủ nhật, OPEC+, liên minh giữa OPEC và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga, đã đạt thoả thuận nâng sản lượng khai thác dầu từ tháng 6, theo đó tiếp tục phục hồi phần sản lượng mà nhóm đã cắt giảm khi đại dịch bắt đầu nổ ra vào đầu năm 2020.
“Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu vẫn đang hồi phục, nên thị trường dầu lửa rốt cục sẽ bị thiếu cung trong mấy tháng tới, cho dù OPEC+ có thực thi việc tăng sản lượng”, chuyên gia Eugen Weingberg của Commerzbank nhận định.