Gấp rút hành động chống suy thoái kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số ý kiến cho rằng Việt Nam đạt được thành công sớm trong chống dịch Covid-19 để đưa nền kinh tế vào trạng thái bình thường mới, đâu đó khiến cho chúng ta có cảm giác mọi thứ bình thường, không cần phải nỗ lực gì đặc biệt.
Chống dịch là bước đầu, chống suy thoái kinh tế là bước tiếp
theo quan trọng không kém. Ảnh: Lê Tiên
Chống dịch là bước đầu, chống suy thoái kinh tế là bước tiếp theo quan trọng không kém. Ảnh: Lê Tiên

Thế nhưng, chống dịch là bước đầu, chống suy thoái kinh tế là bước tiếp theo quan trọng không kém vì hậu quả của suy thoái đối với một quốc gia đang dốc toàn lực vượt bẫy thu nhập trung bình, sẽ là khôn lường.

Chống suy thoái cần như chống giặc

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương, phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đề xuất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch thành công và phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý, trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội.

Tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn. Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngay lúc này cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề xuất các bộ, ngành, địa phương xác định phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”, đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban...

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19 giống như Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch, từ đó chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như giúp cho các tỉnh nhằm định hướng phát triển kinh tế -xã hội có hiệu quả hơn.

Hành động, hành động và hành động

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật còn chậm. Trách nhiệm của một số bộ, ngành trong xử lý công việc chung chưa cao. Công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền nhưng không dám làm, thiếu quyết liệt, né tránh, thậm chí đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa tích cực thay đổi, chưa có nhiều đổi mới bứt phá cả về phương pháp quản lý, điều hành và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Có địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ, phụ thuộc, tư duy cũ, chậm phản ứng với những vấn đề phát sinh.

Giải pháp chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ đã đưa ra rất đầy đủ, vì thế thực thi chính sách là yếu tố then chốt để các giải pháp phát huy hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ phương châm là hành động, hành động hơn nữa, chống trì trệ, nâng cao trách nhiệm hơn nữa. Theo Thủ tướng, chừng nào còn “quyền anh quyền tôi”, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp thì không thể phát triển được.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương khó khăn gấp đôi cố gấp ba, không lùi bước, không bàn lùi. Các ngành có biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn. Từng bộ từng địa phương thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác thường xuyên tháo gỡ, đôn đốc, cụ thể là đầu tư công.

Kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ kiên quyết không để dịch bệnh trở lại, vì dịch bùng phát lần hai sẽ xóa hết mọi kết quả đã đạt được. Phải điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ hiệu quả, linh hoạt hơn, đồng thời duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát nhưng không quá thắt chặt chính sách tiền tệ, tín dụng phải tăng trưởng 10%. Ngân hàng Nhà nước phải nghiên cứu các chương trình cho vay cứu trợ khẩn cấp với các doanh nghiệp lớn, hợp tác xã gặp khó khăn. Đồng thời với bơm vốn, chú trọng các biện pháp để kiểm soát lạm phát dưới 4%...

Chuyên đề