Tâm lý lạc quan của các CFO Mỹ về nền kinh tế giảm mạnh trong khảo sát Duke CFO trong quý này. |
Theo kết quả khảo sát Triển vọng Kinh doanh Toàn cầu Duke University/CFO Global Business Outlook công bố ngày 12/12, gần một nửa (48,6%) các giám đốc tài chính (CFO) của Mỹ được hỏi tin rằng kinh tế nước này sẽ suy thoái vào cuối năm 2019.
Trong khi đó, có tới 82% CFO tham gia khảo sát tin rằng suy thoái sẽ bắt đầu vào cuối năm 2020.
"Tăng trưởng kinh tế bùng nổ kéo dài gần một thập kỷ của Mỹ đang sắp kết thúc", giáo sư John Graham của Đại học Duke cho biết.
Tâm lý bi quan của các CFO về năm 2019 là điều đáng chú ý bởi các nhà kinh tế chính thống dự báo năm tới Mỹ vẫn tăng trưởng ổn định dù giảm tốc.
Phố Wall đã bắt đầu "đánh hơi" về một cuộc suy thoái kinh tế, với bằng chứng là làn sóng bán tháo và biến động mạnh trên thị trường chứng khoán. Chỉ số S&P 500, đã giảm 8%, đang trên đà có quý tồi tệ nhất kể từ năm 2011. Cổ phiếu ngân hàng - vốn đặc biệt nhạy cảm với những biến động kinh tế, cũng mất giá mạnh.
Một số nhà kinh tế đã bắt đầu lo lắng hơn nhưng không nhiều người dự báo sắp xảy ra suy thoái.
"Đó là tỷ lệ cao đáng ngạc nhiên, thậm chí có phần gây kinh ngạc", nhà kinh tế trưởng Russell Price của Ameriprise nói khi nhận xét về kết quả khảo sát của Đại học Duke. "Tôi không lo lắng về suy thoái trong năm 2019, trừ phi nó xảy ra do yếu tố con người".
Price nói rằng kinh tế Mỹ hiện đủ mạnh để tránh được cơn suy thoái trong năm sau trừ phi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mắc sai lầm trong việc tăng lãi suất hoặc tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung "xấu đi đáng kể".
Khảo sát của Duke được thực hiện vào ngày 7/12 với sự tham gia của CFO đến từ 212 công ty Mỹ, cho thấy những người quản lý tài chính của doanh nghiệp Mỹ bi quan về tình hình lợi nhuận. Họ dự báo tăng trưởng lợi nhuận của công ty chỉ đạt 4,5% trong 12 tháng tới, giảm so với mức gần 13% tính đến tháng 9/2018. Dự báo về đầu tư vốn, tuyển dụng và doanh thu đều được hạ xuống.
Sau khi đạt kỷ lục vào quý 3, tâm lý lạc quan của các CFO Mỹ về nền kinh tế giảm mạnh trong khảo sát Duke CFO trong quý này. Một trong những điều khiến họ bận tâm nhất là lực lượng lao động của Mỹ. Tỷ lệ các CEO đề cập đến những khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân nhân lực có chất lượng tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ khi khảo sát Duke CFO bắt đầu vào năm 1996.
Các CFO cũng có quan điểm trái ngược về tác động của tình hình thương mại. Một nửa cho rằng tình hình thương mại và thuế quan sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công ty của mình, trong khi đó số còn lại kỳ vọng môi trường mới sẽ mang đến những tác động tích cực.
Tuần trước, S&P Global Ratings cảnh báo rằng kinh tế Mỹ đang có "dấu hiệu hạ nhiệt". Hãng xếp hạng tín nhiệm này đã tăng dự báo về khả năng xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới lên ngưỡng 15 - 20%, từ ngưỡng 10 - 15% đưa ra hồi tháng 8.
Trong khi đó, JPMorgan Chase cũng nâng dự báo về khả năng xảy ra suy thoái trong năm 2019, dựa trên kết hợp số liệu kinh tế và các dấu hiệu của thị trường, từ mức 25% đưa ra hồi tháng 9 lên 36%.
Tăng trưởng kinh tế từ tháng 6/2009 đến nay là đợt tăng trưởng dài thứ hai trong lịch sử Mỹ và sẽ vượt qua đợt tăng trưởng bùng nổ 1991 - 2001, nếu duy trì được tới tháng 7/2019.
Theo khảo sát của Đại học Duke, triển vọng năm 2020 thậm chí còn bấp bênh hơn. Chỉ 18% CFO tham gia khảo sát tin rằng Mỹ sẽ tránh được một cơn suy thoái trong năm 2020.
"Tất cả các nhân tố (cho một cơn suy thoái) đều đã sẵn sàng", giáo sư Campbell Harvey của Đại học Duke cho biết. Ông chỉ ra các yếu tố như biến động thị trường tăng mạnh, ảnh hưởng của "chủ nghĩa bảo hộ làm giảm tăng trưởng" và độ phẳng "đáng ngại" của đường cong lợi suất trái phiếu.
Đường cong lợi suất là một trong những dự báo đáng tin cậy nhất của phố Wall. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đang tiến gần đến điểm đảo ngược. Điều này xảy ra khi lãi suất ngắn hạn cao hơn lãi suất dài hạn. Trong 50 năm qua, đường cong lợi suất đảo ngược xảy ra trước mỗi đợt suy thoái kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, bất kể đợt suy thoái kinh tế tiếp theo xảy ra khi nào, các doanh nghiệp Mỹ có thể phải đối mặt với vấn đề nợ nần. Được thúc đẩy bởi lãi suất thấp, các công ty của nước này đã vay hàng "núi" nợ trong suốt 10 năm qua.
Cựu chủ tịch FED Janet Yellen hôm 10/12 nói rằng nợ doanh nghiệp ở mức "khá cao" là một "mối nguy hiểm", theo CNBC.
"Đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp ở mức cao có thể khiến suy thoái kinh tế kéo dài và dẫn tới nhiều vụ phá sản", bà Yellen cho biết.