Tác động từ quyết định giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ tới tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ không lớn. Ảnh: Lê Tiên |
FED vừa quyết định giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất cho vay qua đêm. Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của cơ quan này kể từ khủng hoảng kinh tế năm 2008. Đáng chú ý, ông Jerome Powell, Chủ tịch FED cũng phát đi tín hiệu khẳng định rằng, động thái này không phải là mở đầu cho một chiến dịch giảm lãi suất tiếp theo. Dù vậy, đây được coi là điểm kết thúc của giai đoạn thắt chặt tiền tệ kéo dài hàng thập kỷ của nước Mỹ.
Việc FED cắt giảm lãi suất được dự báo sẽ tạo một làn sóng tương tự trên quy mô toàn cầu. Các ngân hàng trung ương của Ấn Độ và Australia đã mạnh tay cắt giảm lãi suất trong năm 2019. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng cho biết sẽ có động thái tương tự vào tháng 9 tới.
Ngay sau quyết định của FED, trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD tăng 0,42% lên 98,46 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 5/2017.
Tại thị trường trong nước, ngày 1/8, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng 6 đồng, ở mức 23.079 đồng/USD. Khảo sát một số ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn cho thấy, tỷ giá USD/VND vẫn ổn định. Giá mua thấp nhất ở mức 23.102 đồng/USD, giá mua cao nhất ở mức 23.160 đồng/USD. Ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất là 23.250 đồng/USD, giá bán cao nhất là 23.263 đồng/USD.
Đánh giá về động thái của FED và diễn biến trên thị trường Việt Nam, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, tác động tới tỷ giá USD/VND sẽ không lớn vì các nhà đầu tư và giới phân tích đã dự báo được điều này, nên biến động đã “hấp thụ” vào giá cả tiền tệ và hàng hóa trên thị trường từ trước.
“Thông thường, khi FED giảm lãi suất thì đồng USD giảm giá. Tuy nhiên, ở đợt cắt giảm lãi suất lần này, do kinh tế Mỹ về cơ bản vẫn ổn, chỉ có một chút điểm chưa ổn với đầu tư và lạm phát, trong khi đó, rủi ro từ các thị trường quốc tế tăng nên USD không bị giảm giá mà còn tăng giá nhẹ. Với Việt Nam, VND đã mất giá khoảng 0,16% so với USD tính từ đầu năm đến nay. Đây là mức giảm giá phù hợp với biến động thị trường trong và ngoài nước hiện nay”, ông Lực nhận xét.
Cũng theo vị chuyên gia này, một tác động có lợi từ động thái của FED là mặt bằng lãi suất huy động quốc tế sẽ giảm. Nhờ đó, chi phí huy động ngoại tệ của Chính phủ và của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ ở mức thấp hơn so với trước, song cũng cần theo dõi chặt chẽ các biến động trên thị trường vốn quốc tế.
Trước động thái nới lỏng tiền tệ của các nước, nhận xét về chính sách tiền tệ của Việt Nam, ông Lực cho rằng: “Thực tế, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, việc nới lỏng có thực hiện nhưng ở mức rất khiêm tốn, chẳng hạn nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng, giảm lãi suất tín phiếu. Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại vừa công bố giảm nhẹ lãi suất cho vay với một số nhóm đối tượng. Những động thái này đều không gây biến động quá lớn với thị trường nhưng sẽ hỗ trợ nền kinh tế về nhiều mặt. Việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng dự kiến chỉ làm tăng tổng tín dụng khoảng 40 nghìn tỷ đồng, đẩy tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 0,4 - 0,6%. Tuy nhiên, hạn mức tín dụng của các ngân hàng thương mại được giao khá khiêm tốn từ đầu năm nên cùng với mức tăng này, tổng tăng trưởng tín dụng cả năm cũng chỉ khoảng 13 - 14%”.