Cuộc họp báo thông tin điều chỉnh giá điện diễn ra chiều ngày 20/3/2019, tại Bộ Công Thương |
"Chúng tôi gần như là người trung gian đi thu và trả cho các đối tác cung cấp than, khí, nhà máy điện bán điện cho EVN, thuế... mà EVN không thể cáng đáng nên buộc phải đưa vào giá điện để thanh toán", ông Tri nói. Như vậy, với mức thu hơn 20.000 tỷ đồng do giá điện tăng lên 8,36% thì ngành điện vẫn bị âm khoảng 1.000 tỷ đồng nếu chi trả hết các đối tác.
Giải thích thêm về chênh lệch tỷ giá sẽ tính như thế nào trong đợt tăng giá điện ngày 20/3/2019, ông Tri cho biết, dù năm 2018 không tăng giá điện, nhưng EVN đã có lãi. Thực tế, EVN đã trình Bộ Công Thương xử lý 4.500 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của EVN từ các năm trước mà chưa đưa vào giá điện vào quyết toán tài chính trong năm, giảm bớt gánh nặng điều chỉnh giá bán lẻ điện. Riêng phần phát sinh chênh lệch tỷ giá năm 2018 của các nhà sản xuất điện độc lập (IPP) hơn 3.000 tỷ đồng thì EVN chưa đưa vào giá điện điều chỉnh lần này. “Nếu đưa phần chênh lệch này tính vào đợt điều chỉnh giá điện hôm nay thì mức tăng giá điện sẽ không phải là 8,36%”, ông Tri nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc giá điện tăng 8,36% được dựa trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN. Giá điện bán lẻ tăng sẽ là một trong những yếu tố tác động đến CPI năm 2019.
Cụ thể, theo thông cáo phát đi về nội dung này, Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong đợt điều chỉnh giá điện lần này, Bộ đã phối hợp với Tổng cục Thống kê để tính toán tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tới CPI, tăng trưởng và chỉ số sản xuất. Qua tính toán của Tổng cục Thống kê, giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3 thì CPI năm 2019 sẽ tăng trong khoảng 3,3-3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI được Quốc hội thông qua là dưới 4%.
“Đợt tăng giá điện này đã được Bộ Công Thương tính toán cẩn trọng. Trong kế hoạch tham mưu cho Chính phủ, Bộ đã đề xuất một số biện pháp để hạn chế tình trạng “té nước theo mưa” khi giá điện điều chỉnh tăng để đảm bảo mục tiêu tiêu kinh tế”, Ông Tuấn khẳng định.
Một số giải pháp trọng tâm để hạn chế tình trạng “té nước theo mưa” được Bộ Công Thương đưa ra như: Tổ chức công bố công khai và thực hiện việc điều chỉnh giá điện đến tất cả các hộ sử dụng điện; Thực hiện các giải pháp đồng bộ về tổ chức, quản lý, đầu tư hiện đại hóa công nghệ phát triển nguồn và lưới điện, kiểm soát hiệu quả, tiết kiệm chi phí và áp dụng các giải pháp để giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm chi phí thường xuyên…