Theo EVN, từ đầu năm 2022, biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới khiến chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao. Đơn vị đã cố gắng thực hiện các giải pháp để tiết kiệm và cắt giảm chi phí như: tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên; cắt giảm từ 20 - 30% chi phí sửa chữa tài sản cố định; vận hành tối ưu hệ thống điện để phát tối đa nguồn thủy điện (có chi phí thấp); điều phối các hợp đồng mua than, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện; nỗ lực đàm phán với các chủ đầu tư các nhà máy điện BOT về sản lượng phát điện để tối ưu hóa chi phí chung..., song vẫn không thể bù đắp được chi phí đầu vào.
Kết quả, 10 tháng năm 2022, công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự tính cả năm có thể lỗ 31.360 tỷ đồng. Đặc biệt, nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ tới 64.805 tỷ đồng.
Nhận định về tình hình sản xuất kinh doanh, EVN cho hay, năm 2023 vẫn tiếp tục là năm Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh và cân bằng tài chính khi các dự báo của tổ chức quốc tế đều cho thấy, khả năng giá nhiên liệu thế giới trong năm tới vẫn ở mức cao. Tuy vậy, EVN cam kết tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.