EU tính họp khẩn xử lý bê bối trứng nhiễm độc

EU sẽ triệu tập họp khẩn với bộ trưởng các nước thành viên về vấn đề trứng nhiễm thuốc diệt bọ, nhằm chấm dứt tình trạng "đổ lỗi lẫn nhau".
Trứng gà được đóng thùng để đưa đi tiêu thụ tại một nông trại ở Wortel, Bỉ, ngày 8/8. Ảnh:Reuters.
Trứng gà được đóng thùng để đưa đi tiêu thụ tại một nông trại ở Wortel, Bỉ, ngày 8/8. Ảnh:Reuters.

Cao ủy phụ trách chính sách y tế và an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU) Vytenis Andriukaitis cho biết ông muốn Hà Lan, Bỉ và Đức dừng cáo buộc lẫn nhau về việc bên nào phải chịu trách nhiệm cho bê bối trứng nhiễm fipronil, một hóa chất có thể gây hại cho người.

"Đổ lỗi không giúp chúng ta giải quyết tình hình. Tôi muốn dừng lại", AFP dẫn lời Andriukaitis, người Litva, hôm nay nói. "Ưu tiên và công việc chính lúc này là kiểm soát tình hình, thu thập thông tin, tập trung vào phân tích và rút ra bài học để cải thiện hệ thống của chúng ta, ngăn ngừa tội phạm".

Theo Andriukaitis, ông đề xuất tổ chức họp cấp cao với các bộ trưởng cùng đại diện cơ quan an toàn thực phẩm các nước thành viên có liên quan ngay khi có đủ thông tin.

Trứng nhiễm độc đã được phát hiện tại ít nhất 11 nước kể từ khi bê bối này xuất hiện ngày 1/8, với hàng triệu quả trứng cùng sản phẩm từ trứng bị thu hồi khỏi các siêu thị.

Đan Mạch là quốc gia mới nhất tuyên bố bị ảnh hưởng, cho rằng khoảng 20 tấn trứng nhiễm độc nhập khẩu từ Bỉ đã được bán tại nước này. Bỉ, Hà Lan và Đức là ba nước đầu tiên phát hiện trứng nhiễm độc và hiện chưa rõ bên nào phải chịu trách nhiệm.

Bỉ hồi đầu tuần cáo buộc Hà Lan biết về trứng nhiễm fipronil từ tháng 11/2016 nhưng không thông báo cho những quốc gia khác, Amsterdam phủ nhận. Các nhà điều tra Bỉ và Hà Lan ngày 10/8 phối hợp khám xét một số cơ sở và bắt hai người thuộc một công ty Hà Lan nghi liên quan đến cuộc khủng hoảng.

Fipronil thường được sử dụng để diệt bọ chét, chấy và ve khỏi động vật nhưng bị EU cấm dùng trong ngành công nghiệp thực phẩm. Chất này sẽ ảnh hưởng đến thận, gan và tuyến giáp nếu đi vào cơ thể con người với lượng lớn.

Đây là bê bối thực phẩm lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 2013, khi thịt ngựa bị dán nhãn sai và được bán như các loại thịt khác.

Chuyên đề