Elon Musk có “linh cảm rất xấu” về nền kinh tế, muốn giảm 10% số nhân viên Tesla

0:00 / 0:00
0:00
Đánh giá bi quan của Musk về tình hình kinh tế và kế hoạch cắt giảm nhân sự của ông khiến giá cổ phiếu Tesla sụt 9% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu vừa rồi...
Xe Tesla được vận chuyển từ một nhà máy ở Mỹ - Ảnh: Bloomberg.
Xe Tesla được vận chuyển từ một nhà máy ở Mỹ - Ảnh: Bloomberg.

CEO Elon Musk của Tesla có một “linh cảm rất xấu” về nền kinh tế và muốn cắt giảm 10% lực lượng lao động trong biên chế tại hãng xe điện Mỹ này – theo nội dung một bức email mà ông Musk gửi các nhà điều hành Tesla do hãng tin Reuters thu thập được cách đây ít ngày.

Trước đó, ông Musk - người giàu nhất thế giới – yêu cầu nhân viên Tesla đến văn phòng làm việc, hoặc phải nghỉ việc.

Đánh giá bi quan của Musk về tình hình kinh tế và kế hoạch cắt giảm nhân sự của ông khiến giá cổ phiếu Tesla sụt 9% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu vừa rồi. Khối tài sản ròng của Musk, người giàu nhất thế giới, vì thế giảm 16,7 tỷ USD, nâng tổng mức giảm từ đầu năm lên gần 60 tỷ USD – theo dữ liệu từ xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index.

Hiện Tesla chưa đưa ra thông tin chính thức nào về việc cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, theo Bloomberg, trong một dòng tweet vào hôm thứ Bảy, tức là chỉ một ngày sau khi rò rỉ bức email với nội dung cắt giảm nhân sự biên chế, Musk lại nói rằng tổng số nhân viên của Tesla sẽ tăng.

Trong dòng tweet này, Musk nói số nhân viên biên chế sẽ “tương đối đi ngang” ngay cả khi tổng số nhân viên tăng. Trong bức email bị rò rỉ, Musk nói việc cắt giảm nhân sự sẽ không áp dụng đối với những người làm ở bộ phận sản xuất xe hoặc pin.

Theo một báo cáo hàng năm của Tesla gửi lên Uỷ ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC), Tesla có khoảng 100.000 nhân viên tại công ty và các chi nhánh vào thời điểm cuối năm 2021.

Nhận định u ám của Musk về nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ và ảnh hưởng đối với các hãng sản xuất xe là cảnh báo trực tiếp và gây chú ý nhất về ngành công nghiệp ô tô trong bối cảnh hiện nay.

Nhưng dù nguy cơ suy thoái gia tăng, nhu cầu đối với xe điện do Tesla và các hãng khác sản xuất vẫn đang mạnh. Bên cạnh đó, những chỉ báo truyền thống về một cuộc suy thoái kinh tế - bao gồm lượng xe tồn kho tăng tại các đại lý xe ở Mỹ - vẫn chưa trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, Tesla đang gặp nhiều khó khăn trong việc tái khởi động sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải, sau khi đợt phong toả chống Covid ở thành phố này dẫn tới gián đoạn hoạt động gây nhiều thiệt hại tại nhà máy.

Đánh giá bi quan của Musk về triển vọng kinh tế tương tự như nhận định gần đây của CEO ngân hàng JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, và Chủ tịch ngân hàng Goldman Sachs, ông John Waldron.

Tuần trước, ông Dimon nói “một cơn bão kinh tế đang xuất hiện trên con đường của chúng ta”.

Lạm phát tại Mỹ đang ở gần đỉnh của 40 năm, dẫn tới chi phí sinh hoạt leo thang và đặt Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trước một nhiệm vụ khó khăn là làm thế nào thắt chặt chính sách tiền tệ để kéo được lạm phát xuống mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Bức email nói trên của Musk có tựa đề là “dừng tất cả việc tuyển dụng trên toàn cầu”. Trước email này, Tesla có đăng tuyển khoảng 5.000 vị trí trên mạng xã hội LinkedIn, từ nhân viên bán hàng tại Tokyo cho tới kỹ sư làm việc cho nhà máy mới ở Berlin và nhà khoa học về học sâu (deep learning) ở Palo Alto.

Yêu cầu của Musk về việc nhân viên phải đến văn phòng đã vấp phải sự phản kháng ở Đức.

“Mọi người tại Tesla phải có thời gian tối thiểu 40 giờ làm việc tại văn phòng mỗi tuần”, Musk viết trong bức email vào hôm thứ Ba tuần trước. “Nếu các bạn không đến, chúng tôi cho rằng bạn đã nghỉ việc”.

Hôm thứ Năm, ông Musk có một cuộc tranh cãi trên Twitter với tỷ phú công nghệ Australia Scott Farquhar, nhà đồng sáng lập Atlassian (TEAM). Trước đó, ông Farquhar đăng một loạt tweet chế nhạo chỉ thị nhân viên phải đến cơ quan làm việc của Musk, nói rằng quy định này giống như “thứ gì đó của thập niên 1950”.

Musk đáp trả rằng: “suy thoái có một chức năng quan trọng là làm sạch kinh tế”.

Chuyên đề