10 tháng năm 2019 ước tính xuất siêu 7 tỷ USD. Ảnh: Trương Việt Hưng |
Giữ đà tăng tốt
Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2019 tăng 0,59% so với tháng trước. Những yếu tố tác động đến CPI là giá thịt lợn tăng; điều chỉnh tăng giá xăng, dầu theo giá thế giới; điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục nhằm tiệm cận với giá thị trường. Tuy nhiên, CPI bình quân 10 tháng lại có mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây, tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lúa tăng so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi bò và gia cầm phát triển tốt, dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương được kiểm soát. Ngành thủy sản tiếp tục giữ đà tăng về sản lượng nuôi trồng và khai thác.
Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2019 đạt mức tăng khá (9,5%) so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8%, ngành khai khoáng tăng nhẹ nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Với nhiều tín hiệu tốt của nền kinh tế, số lượng DN thành lập mới trong tháng 10 đạt mức cao (hơn 12.000 doanh nghiệp); đặc biệt, số DN quay trở lại hoạt động tăng mạnh, gấp 3 lần tháng trước và tăng 109,9% so với cùng kỳ 2018. Tính chung 10 tháng, tổng số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt hơn 149.000 DN, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Khu vực kinh tế trong nước dần khẳng định vị thế
Thời gian qua, kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng năm 2019 ước tính đạt 427,05 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong 10 tháng, có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 43,5 tỷ USD, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 28,8 tỷ USD, tăng 17,1%; hàng dệt may đạt 27,4 tỷ USD, tăng 8,7%; giày dép đạt 14,6 tỷ USD, tăng 11,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 14,6 tỷ USD, tăng 7,6%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 10 tháng năm 2019, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,9 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 34,2 tỷ USD, giảm 1,9%; Trung Quốc đạt 32,5 tỷ USD, giảm 2,9%; thị trường ASEAN đạt 21,3 tỷ USD, tăng 2,6%; Nhật Bản đạt 16,6 tỷ USD, tăng 7,5%; Hàn Quốc đạt 16,6 tỷ USD, tăng 9%.
Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực kinh tế trong nước đang dần khẳng định vị thế với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 16,2%, cao hơn nhiều tốc độ tăng 10 tháng của khu vực FDI (3,9%), đồng thời tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (tăng 2,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2019 ước tính xuất siêu 7 tỷ USD.
Liên quan đến sự tăng trưởng bứt phá của DN trong nước trong hoạt động xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương nhận định, các DN nội đang có ý thức hơn về việc tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do được ký kết trước đây, cùng với CPTPP chính thức có hiệu lực từ năm 2019. Các mặt hàng mà DN trong nước có thế mạnh xuất khẩu như cao su, chè, hạt điều, thủy sản đều có mức tăng về lượng. Tại các nhóm hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, tuy có sự tham gia xuất khẩu của các DN FDI, nhưng các DN trong nước cũng có mức tăng trưởng xuất khẩu rất tốt.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải cho biết, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, có những quan ngại về hiện tượng nhập khẩu từ Trung Quốc để lẩn tránh xuất xứ hàng hóa, rồi tái xuất sang Hoa Kỳ. Với sự gia tăng xuất khẩu đột biến ở một số nhóm hàng như đồ gỗ, điện tử, dệt may… trong thời gian qua, ông Hải khuyến cáo, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội cần hết sức chú ý trong việc giám sát, theo dõi tình hình xuất khẩu của các nhóm hàng, mặt hàng, phát hiện các bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với DN, cần đề cao cảnh giác, tỉnh táo trước các hành vi lôi kéo tham gia tiếp tay cho gian lận xuất xứ, gây phương hại cho cả ngành sản xuất liên quan.