Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất hơn 1 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi thống kê cho thấy hoạt động của các nhà máy ở nước này trong tháng 9 giảm xuống mức thấp nhất hơn 1 thập kỷ, làm dấy lên nỗi lo rằng thương chiến Mỹ-Trung đang thực sự đe dọa triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo tin từ Reuters, giới đầu tư mua mạnh những tài sản an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ sau khi báo cáo của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm về mức 47,8 điểm. Chỉ số này tiếp tục giảm sâu hơn sau khi sụt mạnh trong tháng 8, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức dự báo 50,1 điểm mà giới phân tích đưa ra trước đó. Mức điểm dưới 50 cho thấy sự suy giảm của hoạt động sản xuất.
Với căng thẳng thương mại phủ bóng lên lĩnh vực xuất khẩu, dữ liệu trên của Mỹ phản ánh cùng một xu hướng đáng lo ngại đã được ghi nhận ở các nền kinh tế lớn khác của thế giới, bao gồm Eurozone, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc.
Nhóm công nghiệp thuộc S&P 500 giảm 2,4%, trở thành nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của chỉ số. Nhóm vật tư và năng lượng cùng giảm 2,3% mỗi nhóm. Không một nhóm cổ phiếu ngành nào thoát khỏi sự giảm điểm khi chốt phiên giao dịch.
Báo cáo việc làm tháng 9 dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu tuần này sẽ là một "hàn thử biểu" quan trọng nữa về tình trạng của nền kinh tế Mỹ.
"Đây là một con số xấu, phù hợp với sự suy thoái đang xảy ra trong ngành sản xuất của thế giới", ông Jim Bianco, Giám đốc Bianco Research, nhận xét về báo cáo của ISM. "Tôi cho rằng thị trường đã đúng khi lo ngại, nhưng chúng ta cũng nên chờ thêm các dữ liệu khác nữa, bao gồm số liệu việc làm công bố vào ngày thứ Sáu".
Bất chấp thương chiến Mỹ-Trung kéo dài đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu, niềm tin vào kinh tế Mỹ đã giúp đưa S&P 500, thước đo rộng nhất của kinh tế Mỹ, tăng 17% trong năm nay.
Chuyên gia kinh tế Thomas Simons thuộc Jefferies cho rằng sự suy giảm của ngành sản xuất Mỹ không nhất thiết đồng nghĩa với sự yếu đi của toàn bộ nền kinh tế Mỹ, mà là kết quả của một vài yếu tố - bao gồm vấn đề của hãng chế tạo máy bay Boeing với 737 Max, dòng sản phẩm bán chạy nhất của hãng.
"Ngành sản xuất đang suy thoái, nhưng điều đó không có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế suy thoái", ông Simons nói.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 1,28%, còn 26.573,04 điểm. S&P 500 trượt 1,23%, còn 2.940,25 điểm. Cả hai chỉ số cùng có phiên giảm mạnh nhất kể từ hôm 23/8, ngày mà Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông có thể yêu cầu các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc.
Chỉ số Nasdaq sụt 1,13%, chốt phiên ở 7.908,69 điểm.
Chỉ số VIX sđo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư ở Phố Wall tăng 2,3 điểm, đóng cửa ở 18,56 điểm, mức cao nhất trong 1 tháng.
Cổ phiếu McDonald’s giảm 2,7% sau khi hãng đồ ăn nhanh cảnh báo rằng doanh thu quý 3 có thể không đạt dự báo của giới phân tích. Cổ phiếu hãng sản xuất con chip Xilinx giảm 41,% sau khi bị công ty phân tích KeyBanc hạ bậc khuyến nghị đối với nhà đầu tư.
Phố Wall đang chuẩn bị bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2019. Bởi vậy, trong những phiên giao dịch sắp tới, nhà đầu tư sẽ cùng lúc bị chi phối bởi nhiều yếu tố, gồm vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung sắp diễn ra ở Washington, các số liệu kinh tế Mỹ, các báo cáo tài chính, và cuộc họp chính sách tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (FED).
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 2,76 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 3,29 lần.
Có tổng cộng 7,3 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, so với mức bình quân 7,2 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.