Năm 2016, 23 trong số 41 dự án PPP đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Ảnh: Tiên Giang |
Trong định hướng để nâng cao hiệu quả dự án BOT nói riêng, dự án PPP nói chung thời gian tới, việc hạn chế tối đa chỉ định nhà đầu tư được xem là giải pháp quan trọng.
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2016, do mới triển khai Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (NĐ 15) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (NĐ 30), trong thời gian gần 2 năm, nên số lượng dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất đã lựa chọn được nhà đầu tư và đi vào vận hành năm 2016 còn hạn chế, hầu hết dự án mới đang trong giai đoạn công bố danh mục dự án hoặc tổ chức lập hồ sơ mời sơ tuyển.
Đối với dự án PPP, năm 2016, tổng số dự án đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư là 41 dự án. Trong đó có 23 dự án đấu thầu rộng rãi (chiếm 56,1%) và 18 dự án chỉ định thầu (chiếm 43,9%). Tuy nhiên, các dự án đấu thầu rộng rãi chủ yếu là dự án nhỏ, nên tổng giá trị các dự án lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi không lớn.
Theo Bộ Tài chính, cơ chế chỉ định nhà đầu tư dự án BOT không được áp dụng trên thế giới do không tạo ra được mặt bằng cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, không khuyến khích các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả đầu tư, cũng khó chọn được nhà đầu tư có năng lực phù hợp nhất với dự án. Đấu thầu sẽ giúp lựa chọn được nhà đầu tư tốt, có khả năng cung cấp công trình hạ tầng và dịch vụ công ở mức chi phí hợp lý. Thông lệ quốc tế, đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT nói riêng, dự án PPP nói chung là điều kiện cần để đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh, minh bạch trong việc thực hiện dự án. Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư tham gia, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ điều chỉnh lại báo cáo nghiên cứu khả thi để có thể có nhiều hơn 1 nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam chủ yếu áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư do nhiều trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia.
Theo Bộ KH&ĐT, việc thực hiện các dự án PPP theo quy định mới về trình tự, thủ tục và nội dung đã bắt đầu đem lại hiệu quả, thông tin dự án được đăng tải rộng rãi tới thị trường và các nhà đầu tư.
Trong báo cáo của Chính phủ cuối tháng 5 vừa qua gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nhấn mạnh một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả dự án BOT là nghiên cứu điều chỉnh Nghị định số 30/2015/NĐ-CP theo hướng hạn chế tối đa các dự án triển khai theo hình thức chỉ định nhà đầu tư.
Bộ KH&ĐT cho biết, trong nội dung sửa đổi NĐ 15 và NĐ 30, các trường hợp chỉ định thầu đối với dự án PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất định hướng chỉ áp dụng đối với dự án do Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh lập và công bố danh mục.