Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A qua Hậu Giang và Sóc Trăng: Gỡ “nút thắt” mặt bằng, lựa chọn xong nhà thầu xây lắp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là TP. Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng hiện đã cơ bản chọn xong nhà thầu xây lắp. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác giải phóng mặt bằng có phần chậm trễ, Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải đang nỗ lực phối hợp với 2 địa phương Hậu Giang và Sóc Trăng để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu, dự kiến khởi công vào cuối tháng 12/2021.
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là TP. Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng có tổng mức đầu tư hơn 1.681 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là TP. Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng có tổng mức đầu tư hơn 1.681 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Theo Bộ Giao thông vận tải, Dự án có tổng mức đầu tư 1.681,751 tỷ đồng, gồm 18 gói thầu, sử dụng ngân sách nhà nước, do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư trực tiếp mời thầu. Dự án có tổng chiều dài 20 km đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang gần 9 km với diện tích thu hồi đất 5,3 ha, đi qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng hơn 11 km với 920 hộ nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng. Dự án chính là đoạn tuyến cuối cùng của Quốc lộ 1A chưa được mở rộng. Việc triển khai Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm tai nạn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho Hậu Giang, Sóc Trăng nói riêng.

Vấn đề hiện nay của Dự án là đôn đốc 2 địa phương Hậu Giang và Sóc Trăng sớm bàn giao mặt bằng để nhà thầu khởi công công trình. Theo kế hoạch, Dự án sẽ khởi công vào đầu tháng 11/2021 nhưng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở phía Nam ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án.

Tổng chi phí giải phóng mặt bằng của Dự án là hơn 400 tỷ đồng, được giao cho 2 địa phương thực hiện. Trong 341 hộ dân nằm trong diện phải di dời trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, có khoảng 130 hộ dân phải tái định cư. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 920 hộ dân thuộc diện phải di dời để giải phóng mặt bằng, nhưng một số hộ đã rời địa phương khá lâu và hiện chưa liên lạc được.

Ban Quản lý dự án 7 đang làm việc với tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng để kiểm đếm, đôn đốc và nhận mặt bằng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Ban Quản lý dự án 7 cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, việc lựa chọn nhà thầu xây lắp cho Dự án cơ bản hoàn thành. Chủ đầu tư và nhà thầu đang hoàn thiện các thủ tục để ký kết hợp đồng.

Theo quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, Liên danh Công ty TNHH Khánh Cường - Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam thực hiện Gói thầu XL02 Đoạn Km2103+703 (Km4+800 theo lý trình tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp hiện hữu) - Km2107+742 thuộc Dự án. Giá trúng thầu là 159,95 tỷ đồng, giảm 0,442 tỷ đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,2%; thời gian thực hiện hợp đồng 365 ngày, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Đây là nhà thầu duy nhất vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật và được mở hồ sơ đề xuất về tài chính. Nhà thầu bị loại là Công ty CP Đầu tư xây dựng Miền Nam (địa chỉ tại tỉnh Hậu Giang) vì không đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm.

Cũng tại dự án trên, nhà thầu trúng Gói thầu XL03 Đoạn Km2107+742 - Km2111+400 và xây dựng cầu Ba Rinh (bao gồm công tác đảm bảo an toàn giao thông thủy) là Công ty CP Tập đoàn Thành Huy. Giá trúng thầu 192,266 tỷ đồng, giảm 0,661 tỷ đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,3%; thời gian thực hiện hợp đồng 360 ngày, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Đây là nhà thầu duy nhất vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật, được mở hồ sơ đề xuất về tài chính và trúng thầu. 2 nhà thầu bị loại tại bước đánh giá về kỹ thuật do không đạt năng lực và kinh nghiệm gồm: Công ty CP Tân Hải Hà; Công ty CP Tập đoàn Hà Mỹ Hưng.

Chuyên đề