Nhiệt điện Thái Bình 2 được cho là dự án quyết định đến sự sống còn của PVC |
Sau chuỗi ngày tăng điểm khá tốt, đến phiên giao dịch cuối tuần (15/2), chỉ số chính VN-Index cũng đã gặp trở ngại. Thị trường rung lắc trong suốt phiên, chỉ số giằng co quanh ngưỡng tham chiếu.
Kết quả, VN-Index giảm 1,45 điểm tương ứng 0,15% còn 950,89 điểm trong khi HNX-Index đóng cửa tại mức tham chiếu 106,11 điểm. Trên toàn thị trường ghi nhận có 300 mã giảm, 43 mã giảm sàn so với 287 mã tăng, 40 mã tăng trần.
Thanh khoản sàn HSX sụt giảm đáng kể so với những phiên trước đó. Khối lượng giao dịch trên sàn này đạt 160,68 triệu cổ phiếu tương ứng 3.838,11 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 32,29 triệu cổ phiếu tương ứng 411,97 tỷ đồng.
Thị trường chịu áp lực đáng kể khi mà nhiều mã cổ phiếu vốn hoá lớn nhuốm sắc đỏ trong phiên. Trong đó, riêng VCB giảm đã lấy đi của chỉ số chính tới 1,02 điểm; VIC giảm khiến chỉ số mất 0,87 điểm và tác động từ VHM là 0,71 điểm.
GAS, BID, VNM, HPG, DHG… là những mã có tác động tích cực đến VN-Index trong phiên hôm qua, song không có mã nào đóng vai trò đầu tàu để kéo chỉ số tăng trở lại.
Trên sàn HNX, cổ phiếu PVX của Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) hồi phục trở lại mức giá 1.000 đồng. Thị giá tại mã này rất thấp, chỉ cần biến động tăng-giảm 100 đồng là đã tăng trần hoặc giảm sàn. Dù vậy, với vốn hoá 400 tỷ đồng, PVX vẫn nằm trong nhóm những mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số HNX-Index phiên hôm qua.
Tổng công ty này vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2018 với doanh thu giảm 10,8% còn 3.362 tỷ đồng, lãi sau thuế âm 310 tỷ đồng qua đó nâng tổng lỗ luỹ kế kên 3.563 tỷ đồng, bằng 89% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, thông tin tích cực với tổng công ty này đó là quyết tâm của Bộ Công Thương trong việc “cứu” dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 – một trong những dự án chủ lực mà PVC đang triển khai.
Cụ thể, trong lần tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Bình mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một dự án lớn, có công suất 1.200 MW. Dự án này do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư, hiện mới đạt khoảng 83% khối lượng, tiến độ.
Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng “không có lý do gì mà chúng ta lại để thất thoát tài sản, thất thoát nguồn lực đầu tư lớn như vậy, nhất là khi dự án có điều kiện để hoàn thành”.
Ông Tuấn Anh cũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải cứu dự án này, nhưng để làm được điều đó thì cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ với Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp, với các Bộ, ngành liên quan và địa phương.
Vị Bộ trưởng đề xuất, trong tháng 3/2019, Bộ Công Thương sẽ cử Đoàn công tác của Bộ về làm việc cụ thể với địa phương về những vấn đề phát triển kinh tế xã hội của tỉnh liên quan đến lĩnh vực Công Thương, trong đó có nội dung liên quan đến Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Một thông tin từ PVC gần đây cho biết, công ty mẹ tổng công ty này trong năm 2018 đã thực hiện ký tới 46 hợp đồng thầu phụ tại dự án này, giá trị khoảng 449,9 tỷ đồng.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV PVN nói với lãnh đạo PVC rằng, trong năm 2019, các công tác triển khai đưa dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 về đích sẽ quyết định sự sống còn của PVC. Chỉ có hoàn thành dự án NMNĐ Thái Bình 2, PVC mới có thể tính đến bước đi trong giai đoạn kế tiếp.
Về phía PVC, ông Nguyễn Đình Thế - Tổng giám đốc tổng công ty này khẳng định, sẽ huy động toàn bộ mọi nguồn lực từ tổng công ty đến các đơn vị thành viên để hoàn thành đúng tiến độ mốc đốt dầu lần đầu cho NMNĐ Thái Bình 2 vào cuối quý III, đầu quý IV năm 2019. Đây được cho là “cơ hội cuối cùng” của PVC để có thể lấy lại uy tín trong ngành xây lắp công nghiệp, thực sự thoát khỏi khủng hoảng, trở lại quỹ đạo phục hồi và phát triển trong tương lai.
Trở lại với diễn biến trên thị trường chứng khoán, trên sàn HSX hôm qua, khối ngoại mua ròng phiên thứ 6 với giá trị 142 tỷ đồng. Các cổ phiếu có giá trị mua ròng cao nhất là HPG, PVD và VNM. Các cổ phiếu có giá trị bán ròng cao nhất là DHG, CII và VHM. Trên sàn HNX, khối ngoại quay lại mua ròng 10 tỷ đồng sau khi bán ròng vào phiên trước.
VDSC cho rằng, chỉ số điều chỉnh là diễn biến hợp lý sau giai đoạn tăng kéo dài. Mặc dù vậy, thị trường vẫn được hỗ trợ tốt bởi lực mua của khối ngoại đối với nhóm VN30. Nhà đầu tư được khuyến nghị nên quan sát thị trường và chọn thời điểm thị trường điều chỉnh để giải ngân.