Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối: Thách thức tiến độ mốc vận hành tháng 6/2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc, cấp thẩm quyền đang đốc thúc các công việc, thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng Dự án đường dây 500kV mạch 3, 4 Quảng Trạch - Phố Nối để hoàn thành trong vòng 1 năm và đưa vào vận hành trong tháng 6/2024, truyền tải điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc. Nhiều chuyên gia ngành năng lượng cho rằng, mốc tiến độ này là thách thức lớn, nhưng không phải không thực hiện được.
Dự án đường dây 500kV mạch 3, 4 Quảng Trạch - Phố Nối hiện chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư
Dự án đường dây 500kV mạch 3, 4 Quảng Trạch - Phố Nối hiện chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư

Cơ hội cho nhà thầu trong nước

Theo EVN, Dự án đường dây 500kV mạch 3, 4 Quảng Trạch - Phố Nối gồm 4 dự án thành phần: Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Nam Định I - Thanh Hóa, Nam Định I - Phố Nối.

Ngày 9/7/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản thông báo kết luận của Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân tại cuộc họp chỉ đạo thực hiện Dự án đường dây 500kV mạch 3, 4 Quảng Trạch - Phố Nối nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành các dự án thành phần trong vòng 1 năm và đưa vào vận hành trong tháng 6/2024.

Thông báo trên được đưa ra ngay sau cuộc họp của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tình hình thực hiện Dự án để bảo đảm cung cấp điện cho miền Bắc.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phan Xuân Dương, chuyên gia lĩnh vực năng lượng nhận định: “Việc đầu tư Dự án là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi miền Bắc xảy ra thiếu điện khiến hoạt động sản xuất và sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Theo ông Dương, trong khoảng 5 - 10 năm tới, nguồn điện ở miền Bắc sẽ vẫn “đì đẹt” như hiện nay vì gần như không có dự án nguồn nào được khởi công mới. Trong khi đó, ở khu vực miền Trung, miền Nam lại thừa điện, nhiều nhà máy điện chưa được giải tỏa công suất…

Về năng lực của các nhà thầu, ông Dương cho rằng, đối với lĩnh vực năng lượng, nhà thầu trong nước hoàn toàn có khả năng đảm nhận triển khai tốt các công việc liên quan đến Dự án. Thời gian qua, nhiều nhà thầu trong nước đã đảm nhận thực hiện hầu hết khối lượng công việc của dự án truyền tải điện từ xây dựng cột, đường dây, cung cấp vật tư, thiết bị. Hiện chỉ phải nhập khẩu một vài máy móc, thiết bị trong nước chưa sản xuất được.

Băn khoăn vốn và tiến độ

Đề cập về mốc thời gian Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành và đưa công trình vào vận hành (tháng 6/2024), ông Dương cho rằng, đây là thời hạn vô cùng thách thức.

“Hiện đã gần giữa tháng 7/2023, nhưng Dự án vẫn chưa được duyệt chủ trương đầu tư, nghĩa là đến nay tất cả mọi việc vẫn chỉ ở khâu chuẩn bị, nguồn vốn đầu tư chưa được xác định. Điểm khó nữa là công tác đền bù giải phóng mặt bằng đối với tất cả các dự án đầu tư, trong đó có dự án truyền tải điện lâu nay vẫn là “điểm nghẽn” cần nhiều thời gian để tháo gỡ…”, ông Dương phân tích.

Với hàng loạt thách thức có thể “cản” tiến độ Dự án, ông Dương nhìn nhận, có thể phải mất từ 3 đến 4 năm nữa mới có thể hoàn thành Dự án và đưa vào vận hành.

Tuy nhiên, một nhà thầu cho rằng, nếu tất cả mọi việc thuận lợi, đặc biệt là vấn đề nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng, có cơ chế đặc biệt để triển khai thì khả năng đưa Dự án “về đích” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vẫn có thể thực hiện được.

Theo nhà thầu này, có 3 yếu tố để Dự án đáp ứng được tiến độ như yêu cầu, bao gồm: nguồn vốn đảm bảo, có mặt bằng sạch, nhà thầu có năng lực thì khả năng hoàn thành Dự án với mốc thời gian yêu cầu nằm trong tầm tay. Nếu thiếu bất kỳ một yếu tố nào thì Dự án cũng không thể đạt được mục tiêu kế hoạch.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cấp thẩm quyền cần có giải pháp quyết liệt để hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhắc lại bài học xây dựng thành công đường dây 500kV Bắc - Nam, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh chia sẻ, với các dự án cấp thiết mang tính chất an ninh quốc gia về năng lượng, thường thì đích thân Thủ tướng Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ giao cho một Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì đốc thúc các bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện.

Theo thông tin từ EVN, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân đã giao Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) và các ban, đơn vị liên quan thực hiện các công việc, thủ tục liên quan đến công tác đầu tư Dự án. Tổng giám đốc EVN giao Chủ tịch HĐTV EVNNPT, Tổng giám đốc EVNNPT trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung mọi nguồn lực triển khai khẩn trương, hiệu quả và đồng bộ các giải pháp để bảo đảm hoàn thành Dự án trong tháng 6/2024.

Chuyên đề