Do mặt bằng sạch xen kẽ với nhà dân nên được bàn giao mặt bằng đến đâu, nhà thầu thi công đến đó. Ảnh: Ngọc Tân |
Đại diện Ban quản lý Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết, vốn cho dự án hoàn toàn được đảm bảo, chỉ còn vướng một số đoạn chưa giải phóng được mặt bằng do người dân chưa chịu di dời.
Đối với các gói thầu đi qua địa bàn thành phố Đà Nẵng, thị xã Điện Bàn - tỉnh Quảng Nam (các gói 1,2,3,3B - hợp phần do JICA tài trợ), với những đoạn có mặt bằng, đơn vị thi công đã hoàn thành trên 65% các hạng mục. Riêng đối với gói thầu số 2, đi qua các thôn Phong Thử 1-2-3 (xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có 108 hộ dân thuộc diện bị ảnh hưởng nhà cửa do thi công Dự án, thì ngoài một số hộ thuộc diện di dời tái định cư mới đã được nhận tiền đền bù và đã di dời, đến nay vẫn còn 39 hộ dân khác vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công. Điều đáng nói, trong số đó có những hộ cũng đã nhận tiền đền bù.
Ông Trần Đức Hoàng, Phó giám đốc Chi nhánh Tổng công ty XDCTGT6 (Cienco 6) – Công ty CP tại Đà Nẵng, chỉ huy trưởng công trình gói thầu số 2 cho biết: “Gói thầu số 2 do chỉ dài 2 km, nhưng dù được khởi công từ hơn 2 năm, mà vẫn vướng đến 540 m chưa giải toả xong”.
Việc thi công sẽ còn khó khăn hơn vì trong 540 m bị vướng mặt bằng, có 2 đoạn phải xử lý nền đất yếu. Theo quy trình kỹ thuật, thời gian gia tải nền đất mất 12 tháng, nay vì vướng mặt bằng, nhà thầu buộc phải chuyển sang phương pháp sàn giảm tải để giảm bớt thời gian thi công, nhằm hoàn thành gói thầu vào tháng 12/2016. “Ngoài 2 phạm vi nói trên, còn một phạm vi 120 m cũng thi công theo phương pháp gia tải 3 tháng (chưa tính thời gian thi công) nên rất cần chủ đầu tư giải quyết sớm. Tuy nhiên, để đáp ứng tiến độ thi công, được bàn giao mặt bằng đến đâu, nhà thầu thi công đến đó”, ông Hoàng cho biết.
Đại diện Ban quản lý dự cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết thêm, nhằm đáp ứng tiến độ thi công, việc chậm bàn giao mặt bằng đã buộc nhà thầu phải thay đổi phương pháp xử lý nền đất yếu. Đó là, thay vì đóng cọc cát chờ lún, nhà thầu phải áp dụng phương pháp sàn giảm tải. Đối với phương pháp đóng cọc cát chờ lún, đơn vị thi công phải mất thời gian 12 tháng đợi nền đất hết lún, trong khi đó, với phương pháp sàn giảm tải thì đơn vị thi công có thể thi công thẳng trực tiếp mà không cần phải đợi. Tuy nhiên, phương pháp mới đã làm đội vốn lên rất nhiều.
Theo tính toán, chỉ với việc thay đổi phương thức xử lý nền đất yếu cho 4 cây cầu (CB05, LRB06, VD02, VD02A) đi qua thị xã Điện Bàn đã đội vốn lên đến 56 tỷ.
Ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban quản lý Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết, theo quy định, trách nhiệm giải phóng được giao cho địa phương, tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, trong thời gian qua chủ đầu tư cũng đã nỗ lực hết sức để phối hợp với địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nhằm tạo điều kiện cho nhà thầu có thể thi công dự án.
Về phía chính quyền địa phương, ông Lê Thương, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn cho biết: Phần đông các hộ dân ủng hộ việc di dời để nhường mặt bằng cho Dự án, song còn một số hộ dân chưa kịp hoàn thành nhà mới để di chuyển. Ngoài ra, một số hộ dân thuộc diện tái định cư chưa đồng thuận, nên việc tổ chức thi công xây dựng tái định cư còn khó khăn. “Từ nay đến ngày 20/5, chúng tôi sẽ tập trung giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng, để nhà đầu tư có thể thi công và hoàn thành Dự án trong thời gian sớm nhất”, ông Thương nói.