Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hơn 11.000 tỷ: Đề xuất kết hợp đầu tư công và PPP

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn Bạc Liêu - Cà Mau với khái toán tổng mức đầu tư 11.145 tỷ đồng theo hình thức kết hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có sự tham gia góp vốn của Nhà nước.

Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được đề xuất đầu tư theo phương án kết hợp giữa đầu tư công và đầu tư PPP có sự tham gia góp vốn của Nhà nước 50%. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được đề xuất đầu tư theo phương án kết hợp giữa đầu tư công và đầu tư PPP có sự tham gia góp vốn của Nhà nước 50%. Ảnh: Lê Tiên

Trên cơ sở thống nhất về phương án hướng tuyến giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài khoảng 46,5 km, có điểm đầu tại Km91+200 nối vào Đường tỉnh 978 thuộc tỉnh Bạc Liêu; điểm cuối tại Km137+700 nối với tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Cà Mau, mặt cắt ngang giai đoạn 1 là 17m, 4 làn xe.

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu nhiều phương án đầu tư với 3 kịch bản được đưa ra để cân nhắc, xem xét và lựa chọn.

Thứ nhất là đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (hợp đồng BOT) và không có sự tham gia góp vốn của Nhà nước.

Thứ hai là đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (hợp đồng BOT) và có sự tham gia góp vốn của Nhà nước 50% từ ngân sách trung ương hỗ trợ, vốn do nhà đầu tư thu xếp 50%.

Thứ ba là đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (hợp đồng BOT) kết hợp với đầu tư công. Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được tách làm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 3a được đầu tư công (đầu tư các cầu lớn và nút giao khác mức, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025; tổng mức đầu tư sơ bộ 2.730 tỷ đồng, sử dụng ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương); Dự án thành phần 3b đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (tổng mức đầu tư sơ bộ 8.726 tỷ đồng) có sự tham gia góp vốn của Nhà nước 50% từ ngân sách trung ương hỗ trợ, tương đương 4.363 tỷ đồng (còn lại 50% là vốn nhà đầu tư tự thu xếp). Thời gian hoàn vốn cho Dự án thành phần 3b dự kiến là 15 năm 5 tháng; thời gian thực hiện Dự án từ 2021 - 2024.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, qua phân tích đánh giá 3 phương án đầu tư nhận thấy để triển khai đầu tư Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong giai đoạn 2021 - 2025 theo phương thức xã hội hóa, đảm bảo tính khả thi, thu hút và phát huy nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông thì phương án kết hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công - tư có sự tham gia góp vốn của Nhà nước 50% là khả thi nhất. Phương án đầu tư này đã được các UBND địa phương thống nhất gồm Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long. Tháng 11/2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND và các sở ngành liên quan của tỉnh Bạc Liêu về phương án đầu tư Dự án, thống nhất hướng tuyến và đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, mời các chuyên gia, các đơn vị liên quan tham gia. Lãnh đạo 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đã thống nhất ứng trước ngân sách địa phương để thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Dự án.

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Cà Mau chủ trì chuẩn bị đầu tư Dự án, Bộ GTVT và UBND tỉnh Bạc Liêu đã thống nhất ủng hộ việc giao tỉnh Cà Mau làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện Dự án. Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, UBND tỉnh Cà Mau trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giao UBND tỉnh Cà Mau làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện Dự án.

Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là tuyến trục dọc trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Việc đầu tư tuyến cao tốc này sẽ kết nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm thành phố lớn phía Nam như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Vị Thanh, Bạc Liêu, Cà Mau. Đồng thời, kết nối các cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội khu vực Tây Nam Bộ.

Chuyên đề