Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn có tổng mức đầu tư khoảng 8.192 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê |
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, năm 2019 Thành phố đã có văn bản đề xuất Dự án. UBND TP.HCM cho biết, với quá trình đô thị hóa rất nhanh như hiện nay, nhiều hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị tại một số khu vực trên địa bàn Thành phố đã xuống cấp, không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển đô thị. Mật độ các tuyến cống phân bố không đều, còn thiếu, yếu. Hệ thống thoát nước chung (nước thải và nước mưa), một số cửa xả thải chưa được cải tạo phù hợp theo yêu cầu thoát nước phục vụ cho các quận có mật độ tập trung nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp và dân cư đông đúc gồm Quận 12, quận Gò Vấp, quận Tân Phú. Với tổng diện tích khoảng 2.730 ha, lưu vực Tây Sài Gòn hiện là một trong những khu vực được Thành ủy và UBND Thành phố tập trung xem xét đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật thoát nước.
Tổng mức đầu tư dự kiến của Dự án khoảng 8.192 tỷ đồng (tương đương 350 triệu USD), trong đó: Vốn vay OCR của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) là 300 triệu USD (tương đương 7.022 tỷ đồng) theo phương thức vay đa ngạch (MFF) để thực hiện các hạng mục xây lắp hệ thống thoát nước mưa, nước thải, trạm bơm nâng. Vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố 1.170 tỷ đồng (tương đương 50 triệu USD) để thực hiện các hạng mục tư vấn, quản lý dự án, bồi thường giải phóng mặt bằng và các chi phí khác.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết thêm, về cơ chế tài chính trong nước, Thành phố sẽ thực hiện việc vay lại 100% vốn vay ADB. Đồng thời, Thành phố cam kết sẽ bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố cho Dự án theo đúng tiến độ thực hiện được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cam kết với Nhà tài trợ.
Theo chia sẻ của ông Hoan, đây là dự án không có sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, do nguồn vốn ngân sách đang gặp khó khăn nên chỉ có thể kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ODA. Cụ thể, ADB đã xác nhận sẵn sàng nguồn vốn vay đầu tư dự án giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, từ năm 2018, ADB cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại tương đương 5 triệu USD để nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư Dự án.
Hạng mục xây dựng của Dự án bao gồm: xây dựng hệ thống cống bao dọc theo kênh Tham Lương - Bến Cát đến Nhà máy Xử lý nước thải Tây Sài Gòn (khoảng 10% chi phí xây dựng); xây dựng hệ thống thu gom nước thải và thoát nước chung cấp 2, 3 và 4 (70%); xây dựng trạm bơm và hạ tầng phục vụ quản lý thoát nước và nước thải (5%); xây dựng và cải thiện hệ thống thoát nước chung hiện hữu, xây dựng một hệ thống thoát nước riêng và các đấu nối hộ gia đình vào hệ thống (8%); xây dựng trạm trung chuyển bùn phốt và hạ tầng xử lý để tăng cường hiệu quả quản lý (7%)…
Cùng với Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn), TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn. Đến nay, từ tận dụng khoản hỗ trợ kỹ thuật viện trợ không hoàn lại chuẩn bị cho Dự án, đơn vị tư vấn của Dự án đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu quan trọng. Cụ thể, ở khâu hỗ trợ kỹ thuật, TP.HCM đã hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu nhiều gói thầu tư vấn nền tảng.
Có thể kể đến Công ty CP Tư vấn cấp thoát nước và Môi trường đã trúng thầu Gói thầu Tư vấn thực hiện khảo sát địa hình - địa chất với giá 11.246.705.428 đồng. Trung tâm nghiên cứu, dịch vụ công nghệ và môi trường trúng Gói thầu TV5 Tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Công ty TNHH Đầu tư tư vấn xây dựng trúng Gói thầu TV8 Tư vấn lập hồ sơ mời thầu (HSMT) và đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) các gói thầu TV5, TV6, TV7. Gói thầu tư vấn giám sát khảo sát; tư vấn lập HSMT và đánh giá HSDT phần công tác khảo sát; tư vấn lập nhiệm vụ khảo sát đều đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu.