Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Thường phải 3-5 năm, thậm chí 10 năm
Với một dự án BOT ngành điện, lâu nay, những khó khăn luôn được nhắc đến, trong đó có những khó khăn từ việc đàm phán hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện, hợp đồng thuê đất, cũng như việc thu xếp vốn với các bên cho vay…
Ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Thị trường điện của EVN cho biết, trong các dự án BOT ngành điện, việc đàm phán về giá (giá FIT) là cực kỳ mất thời gian. Ông Khoa cho biết thêm, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ II đã được chỉ đạo xác định, lựa chọn chủ đầu tư theo cơ chế đấu thầu, song đến nay đã gần 10 năm, Dự án này vẫn chưa có chuyển biến.
Tham gia đàm phán từ những dự án BOT nhiệt điện đầu tiên được triển khai, ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho hay, trong những hợp đồng BOT điện đầu tiên (như Nhiệt điện Phú Mỹ 1, 2, 3), ông cùng các đồng nghiệp đã phải mất 5 năm để có thể hoàn tất đàm phán cho mỗi hợp đồng và đưa ra được khung hợp đồng mẫu cho các dự án sau này. “Những tưởng khi có hợp đồng mẫu thì quá trình đàm phán các dự án BOT ngành điện sẽ phải nhanh hơn, nhưng thực tế lại càng diễn ra lâu hơn, thậm chí đến 10 năm chưa xong” – ông Nội nhấn mạnh.
Nhiều nhà đầu tư có cùng vướng mắc
Bên cạnh đó, quá trình đàm phán các dự án đang bị chậm là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều dự án BOT ngành điện chưa đóng được tài chính để khởi công xây dựng công trình. Ông Hoàng Đình Phi, Phó Trưởng ban Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế Vân Phong cho biết, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 bên cạnh công tác giải phóng mặt bằng chậm thì còn do việc đàm phán hợp đồng BOT giữa nhà đầu tư với Bộ Công Thương và hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam có nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ của toàn Dự án.
Mới đây nhất, Bộ Công Thương đang có động thái gấp rút phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án nguồn điện để góp phần đảm bảo mức tăng trưởng điện năng khoảng 4.000 MW/năm.
Đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ, kiên quyết thực hiện biện pháp thu hồi dự án để giao cho nhà đầu tư khác trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng các cam kết, kéo dài thời gian gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của dự án.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), đến năm 2030, sẽ phải đầu tư đưa vào vận hành khoảng 90.000 MW công suất nguồn điện mới, trong đó dự kiến có 16 dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT với tổng công suất khoảng trên 22.000 MW.