Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương có mốc tiến độ hoàn thành vào năm 2017, song Nhà đầu tư đã ngưng thi công từ tháng 6/2018 đến nay. Ảnh: Nam Anh |
UBND TP.HCM vừa thông báo đến Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (Nhà đầu tư) và Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (Doanh nghiệp dự án) về việc đơn phương chấm dứt thực hiện Hợp đồng BOT Dự án. Lý do đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã được Sở Giao thông vận tải thông báo cụ thể đến Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án tại Công văn số 6610/SGTVT-KH ngày 28/6/2021 và đã được UBND Thành phố chỉ đạo tại nhiều văn bản trong các năm 2023 và 2024.
Theo đó, Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án đã có những vi phạm nghiêm trọng như không cung cấp các văn bản thỏa thuận, cam kết và pháp lý liên quan đến việc chứng minh nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay, bảo đảm thực hiện Hợp đồng BOT đã ký theo đúng quy định pháp luật trong khi thời hạn khắc phục các nội dung vi phạm Hợp đồng BOT Dự án đã hết hạn từ ngày 6/7/2020.
Đồng thời, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (là đại diện duy nhất của bên cho vay) có ý kiến từ tháng 5/2021 về việc không tiếp tục tài trợ vốn vay cho Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương theo hợp đồng tín dụng đã ký kết do Doanh nghiệp dự án và Nhà đầu tư vi phạm hợp đồng tín dụng. Bên cạnh đó, công tác thi công đình trệ, kéo dài nên đã ảnh hưởng đến phương án tài chính, nguồn thu để trả nợ cho Ngân hàng. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt khẳng định không tiếp tục đề xuất chỉ định nhà đầu tư mới tiếp nhận toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án, cũng như không đề xuất hay chỉ định nhà đầu tư mới khác và không thực hiện quyền tiếp nhận Dự án của bên cho vay nêu tại Hợp đồng BOT đã ký kết.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Hợp đồng BOT số 3233/HĐ.BOT-UBND được UBND TP.HCM ký kết với nhà đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh (nay là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh) ngày 25/6/2016. Theo đó, Dự án có chiều dài 2,7 km, tổng mức đầu tư 1.557 tỷ đồng. Điểm đầu Dự án tại nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt - Quốc lộ 1 và điểm cuối là điểm giao với đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Dự án được khởi công vào tháng 10/2016, có mốc tiến độ hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, Nhà đầu tư tạm ngưng thi công từ tháng 6/2018 đến nay. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông TP.HCM (đơn vị giám sát Hợp đồng) cho biết, Nhà đầu tư đã triển khai thi công 7/7 gói thầu chính, với tổng giá trị thi công đạt 164,06/913,138 tỷ đồng (17,9%).
Dù tự ý ngưng thi công, không thực hiện đúng cam kết đã ký, nhưng Nhà đầu tư liên tục không hợp tác với UBND Thành phố trong việc cung cấp tài liệu, hồ sơ để các bên tìm kiếm giải pháp xử lý. Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông đã có nhiều cuộc họp và văn bản đề nghị Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án rà soát, cập nhật thông tin, tài liệu pháp lý liên quan; xác định khối lượng, giá trị hợp pháp do Nhà đầu tư đã thực hiện đủ điều kiện thanh quyết toán theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án vẫn chưa cung cấp các hồ sơ khối lượng, giá trị hợp pháp theo yêu cầu mặc dù đã được gia hạn thời gian cung cấp đủ hồ sơ tài liệu liên quan đến khối lượng, giá trị đã thực hiện trước ngày 31/1/2024 và thời gian kiểm toán khối lượng, giá trị đã thực hiện trước ngày 28/2/2024.
“Do Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án không phối hợp với Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông để cung cấp thông tin, hồ sơ tài liệu liên quan làm cơ sở xác định khối lượng, giá trị hợp pháp đã thực hiện, xử lý vi phạm hợp đồng, UBND TP.HCM cho rằng, Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án từ chối quyền lợi được UBND Thành phố thanh toán phần khối lượng đã thực hiện theo Hợp đồng BOT đã ký kết và không có cơ sở khiếu nại, khiếu kiện sự việc này đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, UBND Thành phố không có cơ sở thanh toán phần khối lượng đã thực hiện theo Hợp đồng BOT đã ký kết”, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết.
Hệ lụy của Dự án ngưng trệ là rất lớn khi việc kết nối giao thông huyết mạch của TP.HCM, giảm tải cho Quốc lộ 1 không thể khơi thông. Chưa kể, theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, việc Nhà đầu tư bỏ dở thi công khiến 31 trường hợp người dân bị ảnh hưởng do công tác giải phóng mặt bằng tại Dự án chưa được xử lý dứt điểm.