Tính đến cuối năm 2019, tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế tăng trên 13% so với cuối năm 2018, mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Ảnh: Lê Tiên |
Cải thiện sự bất cân đối
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối năm nay, tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế đã tăng trên 13% so với cuối năm 2018. Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Với tổng dư nợ nền kinh tế cuối năm 2018 ở mức 7,211 triệu tỷ đồng, ước tính năm 2019, các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã giải ngân thêm gần 940.000 tỷ đồng vào nền kinh tế.
Theo NHNN, cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực và tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán.
Tính đến 31/12, tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng khoảng 11%, chiếm 25% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 16%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng tăng 15%.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2019 của NHNN đã góp phần ổn định môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2019 của cơ quan quản lý về cơ bản đã hoàn thành khi con số đạt được khoảng trên 13%, xấp xỉ mức chỉ tiêu 14% đặt ra từ đầu năm.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, trong năm 2020, NHNN sẽ tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với đà phát triển của nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả hoạt động.
“Tỷ lệ tín dụng trên GDP hiện đã trên 130% nên quan điểm điều hành của NHNN là sẽ tiếp tục kiểm soát tín dụng và đặt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020 tương đương mục tiêu năm 2019”, bà Hồng chia sẻ.
Trên thị trường chứng khoán, theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến ngày 23/12, tổng mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt 79,2% GDP, tăng 10,6% so với cuối năm 2018. Đáng chú ý là sự khởi sắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những năm gần đây. Năm 2018, quy mô thị trường đạt 9,01% GDP, tăng 58% so với năm 2017 (đạt 6,29% GDP). Năm 2019, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng, quy mô thị trường tăng khoảng 28% so với cuối năm 2018, đạt trên 10% GDP năm 2019.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, hướng tới việc phát triển cân bằng hơn giữa kênh thị trường vốn và kênh tín dụng ngân hàng.
Không phanh gấp mà cần có lộ trình
Về sự dịch chuyển kênh huy động vốn trong nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, chuyển biến về cơ cấu vốn đã có tín hiệu tích cực dù tín dụng vẫn là dòng vốn chính trong nền kinh tế và hiện chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư toàn xã hội, đây vẫn là tỷ trọng khá cao. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển tốt hơn nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở mức trên 7%, đòi hỏi nhu cầu về vốn rất lớn.
“Việc giảm dần tỷ trọng vốn tín dụng trong tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế là cần thiết, song không thể giảm đột ngột mà cần có lộ trình. Trước mắt, cần chú trọng cách thức phân bổ vốn trong nền kinh tế đúng hướng hơn, góp phần hỗ trợ tăng trưởng bền vững và lành mạnh hơn. Đồng thời, không ngừng cải thiện hoạt động của thị trường vốn để tăng huy động từ kênh này”, ông Lực nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng đề xuất, cần cải thiện tích cực hơn nữa các điều kiện để phát triển thị trường vốn như đẩy mạnh việc hình thành và phát triển các công ty định mức tín nhiệm và hoạt động của các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ hưu trí.
“Năm 2020 và các năm tiếp theo, tôi nghĩ là chúng ta sẽ chưa được chứng kiến sự chuyển biến mạnh mẽ về tỷ trọng giữa vốn tín dụng và vốn chứng khoán cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể hy vọng điều này sẽ dần thay đổi với điều kiện là các cơ quan quản lý và điều hành đẩy mạnh việc phát triển và lành mạnh hóa thị trường vốn”, ông Hiếu nhấn mạnh.