Đồng USD mạnh bào mòn lợi nhuận nhiều doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo tài chính quý II/2022 của nhiều doanh nghiệp niêm yết đã công bố những khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Đồng USD mạnh lên cùng với việc nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất đã và đang ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp có khoản vay bằng đồng tiền này.
Nhiều doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng trong quý II/2022. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng trong quý II/2022. Ảnh: Tiên Giang

Quý II/2022, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 37.714 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế lại sụt giảm mạnh từ mức 10.349 tỷ đồng xuống còn 4.379 tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân giá thành tăng và giá bán sản phẩm thép giảm, lợi nhuận của Hòa Phát còn bị ảnh hưởng bởi khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 1.270 tỷ đồng.

Hòa Phát lý giải, chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ đã khiến giá USD tăng mạnh, trong khi Tập đoàn chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu và có dư nợ vay USD cao nên bị lỗ tỷ giá rất lớn.

Chiến lược của tập đoàn này là mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu, không chỉ góp phần tăng sản lượng tiêu thụ mà còn tăng nguồn doanh thu USD để cân bằng hơn cán cân ngoại tệ, giảm bớt rủi ro tỷ giá.

Báo cáo tài chính quý II/2022 của Hòa Phát không thuyết minh chi tiết các khoản ngoại tệ nhưng tại thời điểm đầu năm, Tập đoàn ghi nhận khoản vay hơn 988,845 triệu USD, phải trả người bán 732,1 triệu USD và 16,8 triệu EUR. Các khoản vay dài hạn bằng USD chịu lãi suất cho vay liên ngân hàng London (LIBOR) + 2,05%/năm.

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm phát hành bởi Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhiều đồng tiền trên thế giới đã mất giá so với đồng bạc xanh. Chẳng hạn, đồng won (Hàn Quốc) mất 8,64%, đồng pesco của Philippines mất 7,25%, đồng rupee của Ấn Độ mất 5,87%. Riêng VND chỉ mất giá 1,96%, còn tính đến cuối tháng 7/2022, VND đã mất giá 2,21% so với USD.

Sự mất giá của các đồng tiền trên thế giới so với USD được cho là do tác động từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành. Fed liên tiếp tăng lãi suất điều hành 3 lần chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, mức tăng lãi suất ngày 15/6 thêm 0,75 điểm phần trăm là lớn nhất trong vòng 28 năm qua.

Ngày 27/7 vừa qua, Fed quyết định nâng tiếp lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm. Trong tháng 7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng quyết định tăng lãi suất với mức 0,5 điểm phần trăm sau 11 năm giữ nguyên. Còn vào đầu tháng 8/2022, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) quyết định tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm lên 1,75%, đây là đợt tăng lãi suất lần thứ 6 kể từ tháng 12/2021 và là đợt tăng mạnh nhất trong 27 năm qua.

Tỷ giá và lãi suất tăng được nhận định sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp có khoản vay bằng ngoại tệ và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 353,7 tỷ đồng trong quý II/2022 là một trong những nguyên nhân kéo lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty Phát điện 3 giảm chỉ còn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 419 tỷ đồng, dù doanh thu bán điện vẫn tăng 13,3% lên 11.891 tỷ đồng. Tại thời điểm đầu năm 2022, Tổng công ty Phát điện 3 ghi nhận các khoản vay dài hạn bằng USD có giá trị quy đổi sang VND là 37.975 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp có các khoản nợ thuê tài chính lớn bằng USD, hãng hàng không Vietnam Airlines cũng bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng tỷ giá với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong quý II/2022 lên tới 841,4 tỷ đồng.

Không chỉ Hòa Phát, Tổng công ty Phát điện 3 hay Vietnam Airlines, nhiều doanh nghiệp khác cũng ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong quý II/2022 như: Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (158,8 tỷ đồng), Công ty CP Tập đoàn PC 1 (72 tỷ đồng), Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (69,1 tỷ đồng), Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (42,3 tỷ đồng)…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư