Đồng loạt đề xuất đầu tư các tuyến cao tốc huyết mạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến nay cả nước có khoảng 1.200 km đường cao tốc và con số phải hoàn thành thêm từ nay đến năm 2025 là 1.800 km, đến năm 2030 là 3.800 km. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành giao thông. Nhiều địa phương xác định đầu tư xây dựng đường cao tốc là nhiệm vụ trọng tâm, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoàn thành mạng lưới đường cao tốc xương sống của cả nước.
Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải sẽ hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư nhiều tuyến cao tốc. Ảnh: Tiên Tấn
Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải sẽ hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư nhiều tuyến cao tốc. Ảnh: Tiên Tấn

UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đường cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột, cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030. Mới đây, tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chấp thuận bổ sung tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030.

Hiện Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án 6 lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lấy ý kiến tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa để thống nhất một số nội dung triển khai tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Tổng mức đầu tư của tuyến cao tốc này khoảng 17.435 tỷ đồng, dài 118 km, có điểm đầu là nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và điểm cuối giao cắt tại Km12+450 đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột. Xác định đây là tuyến cao tốc động lực của địa phương cũng như nằm trong hệ thống cao tốc xương sống của cả nước, UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm bố trí 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương đầu tư vào Dự án. Số tiền còn lại 7.435 tỷ đồng, tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa sẽ cân đối từ nguồn vốn ngân sách địa phương và kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2022, Tỉnh sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo ra đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đường bộ cao tốc qua tỉnh Thanh Hóa. Tỉnh sẽ giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án, đảm bảo giải ngân hết vốn đầu tư công cho Dự án theo kế hoạch năm 2022. Để thu hút phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, tăng tính kết nối giữa đường bộ cao tốc với các đường trục chính trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ GTVT sớm đầu tư nâng cấp các tuyến Quốc lộ 45, Quốc lộ 47B, Quốc lộ 217B và Quốc lộ 217 đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Hồ Chí Minh. Tỉnh Thanh Hóa đề xuất được nghiên cứu, bổ sung đầu tư đoạn Quốc lộ 217B tránh Khu di tích lịch sử Lăng miếu Triệu Tường vào Dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 theo phương án tuyến đã được phê duyệt. Tổng kinh phí đầu tư bổ sung khoảng 250 tỷ đồng lấy từ vốn dư giải phóng mặt bằng 420 tỷ đồng đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa.

Để sớm hoàn thiện hệ thống mạng lưới hạ tầng giao thông trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất các bộ, Trung ương bố trí nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và sớm hoàn thành tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Đối với Dự án đường bộ cao tốc đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ GTVT sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư, hoàn thành trước năm 2025.

Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, năm 2022, Thành phố sẽ tập trung hoàn tất thủ tục đầu tư các tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

UBND TP. Hải Phòng đề xuất năm 2022 được nghiên cứu, đầu tư xây dựng các đoạn tuyến còn lại thuộc cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh để hoàn chỉnh mạng lưới cao tốc trên địa bàn.

Lãnh đạo Sở GTVT TP. Cần Thơ cho biết, năm 2022, Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT đề xuất Trung ương ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 để sớm thi công các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Ông Bùi Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư thuộc Bộ GTVT cho biết, trong năm 2022, Bộ GTVT sẽ nỗ lực hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư cho nhiều tuyến cao tốc như: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh. Đây là những dự án giao thông quan trọng, không những góp phần hoàn thiện trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, mà còn là những công trình động lực cho quá trình phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 của các địa phương.

Chuyên đề