Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Ảnh: Tiên Giang |
Dự án nào phải đánh giá tác động môi trường?
Đặt nhiệm vụ BVMT ở vị trí trung tâm các quyết định phát triển, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Dự thảo Luật đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc định hình chuyển đổi các mô hình kinh tế theo hướng bền vững.
Luật BVMT 2014 đang có bất cập là coi đánh giá tác động môi trường (ĐTM) như một công cụ quản lý môi trường cho suốt vòng đời dự án, trong khi thực tế triển khai dự án có nhiều thay đổi. Do đó, Dự thảo Luật quy định đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định, thực hiện, đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.
Dự thảo Luật điều chỉnh đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược theo hướng bỏ quy định đánh giá môi trường chiến lược đối với kế hoạch; bổ sung đánh giá môi trường chiến lược đối với chương trình mục tiêu quốc gia; chỉ đánh giá môi trường chiến lược đối với các chiến lược cấp quốc gia về phát triển ngành, lĩnh vực có chính sách, nội dung liên quan đến BVMT.
Ở khâu đánh giá sơ bộ tác động môi trường, theo quy định của Luật Đầu tư công, Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), các dự án đầu tư công, dự án PPP khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về BVMT. Luật Đầu tư cũng quy định, trong hồ sơ dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ khi xin chấp thuận chủ trương đầu tư phải có nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp BVMT. Tuy nhiên, Luật BVMT 2014 không quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Do đó, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) bổ sung quy định nêu rõ, chỉ những dự án có tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện ĐTM. Một là dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hai là dự án PPP. Ba là dự án đầu tư xây dựng được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc dự án đầu tư xây dựng thuộc đối tượng phải có ĐTM và thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của chủ tịch UBND tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng thu hẹp đối tượng phải thực hiện ĐTM; không quy định về việc phê duyệt báo cáo ĐTM và thay vào đó quy định việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM để làm căn cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc ban hành văn bản thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở của dự án, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi…
Tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp
Một trong những điểm đáng chú ý khác tại Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) là đề xuất cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 - 75 ngày. Chi phí tuân thủ của doanh nghiệp có thể giảm đáng kể thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện ĐTM; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về BVMT.
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, những đổi mới trong Dự thảo Luật thể hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước, trong đó có nội dung về cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về đầu tư, xây dựng.
Thực tế thời gian qua, quy định về thủ tục môi trường chưa song hành với các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà đầu tư không biết phải thực hiện thủ tục nào ở giai đoạn nào của dự án để thực hiện đồng thời các thủ tục; dẫn đến nhiều lần phải điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh dự án đầu tư và xin cấp phép xây dựng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn, ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 chia sẻ, những dự án phải ĐTM thường có quy mô, tổng mức đầu tư lớn. Nếu thiếu sự đồng bộ về quy định quản lý môi trường sẽ dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung các danh mục đầu tư dự án. Điều này sẽ gây nên sự lãng phí không cần thiết.
Một số ý kiến khác đánh giá cao những đề xuất sửa đổi quy định về đánh giá môi trường chiến lược, ĐTM và giấy phép môi trường tại Dự thảo Luật. Thay đổi này trả lại bản chất cho ĐTM là công cụ dự báo chứ không phải công cụ quản lý và quản lý dựa trên giấy phép môi trường là phù hợp với thông lệ quốc tế.