Thủ tướng Anh Theresa May. |
Đồng Bảng Anh sụt giá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, sau khi hai Bộ trưởng chủ chốt trong Chính phủ nước này từ chức nhằm gây sức ép với Thủ tướng Theresa May về kế hoạch ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Theo tin từ trang CNN Business, động thái từ chức của hai vị Bộ trưởng đẩy tiến trình Brexit lún sâu vào sự bênh, đặt ra nguy cơ về Brexit "cứng". Giới phân tích lo ngại hàng loạt Bộ trưởng khác cũng từ chức và có thể diễn ra một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về vị trí Thủ tướng của bà May.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Brexit, ông Domic Raab, nói rằng "với lương tâm của mình, tôi không thể ủng hộ các điều khoản được đề xuất" cho việc Anh ra khỏi EU. Ông Raab là Bộ trưởng Brexit thứ hai từ chức trong năm nay.
Bộ trưởng Bộ Lao động và Lương hưu Esther McVey đệ đơn từ chức chỉ một giờ đồng hồ sau đó, nói rằng dự thảo thỏa thuận Brexit của bà May không tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016.
Ngoài ra, một số quan chức cấp thấp hơn trong Chính phủ Anh cũng từ chức. Một số quan chức ủng hộ Brexit đẩy mạnh lời kêu gọi bà May từ chức.
Theo dự kiến, Anh sẽ rời EU - đối tác thương mại lớn nhất của nước này - vào ngày 29/3/2019.
Đồng Bảng có lúc giảm giá 2% so với đồng USD, xuống dưới mức 1 Bảng đổi 1,28 USD. Đồng tiền này thu hẹp mức giảm sau khi bà May nói bà sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ thỏa thuận Brexit của bà.
Giá cổ phiếu các ngân hàng Anh đồng loạt sụt mạnh, trong đó cổ phiếu Lloyds và Barclays mất hơn 4%, cổ phiếu RBS lao dốc gần 10%.
Bất ổn chính trị đang đe dọa thỏa thuận Brexit mà bà May đã mất rất nhiều công sức mới đàm phán được với EU. Hôm thứ Tư, vị Thủ tướng nói rằng bà đã giành được sự ủng hộ của nội các cho thỏa thuận, nhưng đến ngày thứ Năm, tình hình bất ngờ trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
Giờ đây, bà May đang đối mặt với sự phản đối từ mọi phía trong Quốc hội Anh.
Bà May cảnh báo rằng những lựa chọn thay thế cho kế hoạch Brexit của bà bao gồm Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào, hoặc Brexit không diễn ra nữa.
Điều khiến giới đầu tư lo ngại nhất hiện nay là Anh ra khỏi EU mà không đàm phán được một thỏa thuận cho sự ra đi có trật tự. Điều đó sẽ đồng nghĩa với việc những hàng rào thương mại mới được dựng lên, gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm, thuốc men và hàng hóa khác, và một cú sốc đối với toàn bộ nền kinh tế.
"Nguy cơ về một Brexit không có trật tự đang gia tăng nhanh chóng", ông John Wraith, trưởng bộ phận chiến lược lãi suất Anh thuộc UBS, nhận định.
Trong một báo cáo công bố hôm thứ Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng một Brexit không có trật tự sẽ "dẫn tới sự gián đoạn trên diện rộng các hoạt động sản xuất và dịch vụ", cũng như những hệ quả nghiêm trọng đối với thị trường.
"Một sự dịch chuyển bất ngờ trong tâm lý của nhà đầu tư đối với các tài sản Anh có thể dẫn đến sự giảm giá tài sản chóng mặt, và một cú sốc đối với niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp", báo cáo có đoạn viết.
Trong dài hạn, IMF cho rằng nền kinh tế Anh sẽ giảm từ 5-8% trong trường hợp Brexit không thỏa thuận so với trường hợp nước này tiếp tục là một thành viên EU.