"Đôi bờ sông Hồng" của họa sĩ Lê Văn Đệ bán giá hơn 5,4 tỷ đồng tại Pháp

0:00 / 0:00
0:00
Bức tranh "Đôi bờ sông Hồng" của họa sĩ Lê Văn Đệ được bán với giá hơn 5,4 tỷ đồng (220.000 euro) trong phiên đấu giá "Tranh Mỹ thuật Việt Nam - từ truyền thống đến hiện đại" của nhà Millon vào ngày 24/6 theo giờ Paris.

Với mức thuế, phí cho các tác phẩm đấu giá khoảng 30%, "Đôi bờ sông Hồng" có giá thành xấp xỉ 6,8 tỷ đồng. Đây cũng là tác phẩm có giá cao nhất được gõ búa trong phiên tối qua. Phiên đấu giá còn giới thiệu nhiều tác phẩm của các hoạ sĩ nổi tiếng từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như bức lụa "Cuộc gặp gỡ" (1974) của Mai Trung Thứ được chốt xấp xỉ 3,4 tỷ đồng (140.000 euro); bức sơn mài "Chùa Thái Lan" của Trần Phúc Duyên có giá 1,9 tỷ đồng (80.000 euro).

Tranh của hoạ sĩ Nam Sơn cũng được kỳ vọng bán ra với mức giá 80.000 đến 100.000 euro, nhưng trong phiên tối qua chỉ dừng lại ở mức 78.000 euro và chưa được chốt.

"Đôi bờ sông Hồng" (Les bords du fleuve Rouge) vẽ năm 1930 với chất liệu sơn dầu trên toan. Ảnh: Millon.com

"Đôi bờ sông Hồng" (Les bords du fleuve Rouge) vẽ năm 1930 với chất liệu sơn dầu trên toan. Ảnh: Millon.com

"Đôi bờ sông Hồng" là tranh sơn dầu trên toan, được ra đời vào năm 1930. Bức tranh thể hiện sự mênh mông của sông nước, các vùng đất xung quanh vẫn còn thưa thớt, vắng vẻ, dáng người thấp thoáng xa gần với những ngôi nhà, thuyền bè nổi trên mặt nước.

Để miêu tả kĩ hơn, trên trang giới thiệu tác phẩm, nhà đấu giá Millon viết: "Một số người đội nón lá và mặc trang phục truyền thống, có những cây cầu bằng gỗ nối đất liền với các hộ gia đình. Phía xa là những phiến đá nhấp nhô để bảo vệ thuyền bè khỏi thuỷ triều. Xa hơn nữa là những chiếc thuyền, một số được neo đậu, một số khác trôi nổi vô định như muốn thu hút, mời gọi để dõi theo".

Ở phía dưới bên trái là chữ ký của hoạ sĩ Lê Văn Đệ. Tác giả thực hiện kỹ thuật phối cảnh xa gần để tạo chiều sâu cho tác phẩm - điều còn khá mới mẻ với nghệ thuật châu Á tại thời điểm đó. Tông màu nâu với các sắc độ đậm nhạt khác nhau tạo nên nét hoang sơ của đôi bờ sông Hồng ngày ấy.

"Đôi bờ sông Hồng" từng tham gia triển lãm "Thuộc địa Paris" từ ngày 6/5 đến ngày 15/11/1931. Theo lá thư của Blanchard de la Brosse, lúc đó là giám đốc Đông Dương Kinh tế Cục (AGINDO) gửi Victor Tardieu ngày 21/12/1932, có 2 bức sơn dầu của Lê Văn Đệ là "Đôi bờ sông Hồng" và một bức khác nhỏ hơn có tên "Thuyền trên sông Hồng" đã được bán tại thời điểm đó.

Bản thảo “Báo cáo về việc tham dự Triển lãm Thuộc địa Paris 1931” của Victor Tardieu. Ảnh: Millon.com

Bản thảo “Báo cáo về việc tham dự Triển lãm Thuộc địa Paris 1931” của Victor Tardieu. Ảnh: Millon.com

Lê Văn Đệ (1906 - 1966) xuất thân trong gia đình địa chủ ở Bến Tre. Năm 1930, ông tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (ông là một trong 10 sinh viên khoá đầu tiên, năm 1925). Năm 1931, Lê Văn Đệ sang Pháp học Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Pháp và sau đó đạt nhiều giải thưởng về hội họa.

Lê Văn Đệ là giám đốc đầu tiên của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (nay là Đại học Mỹ thuật TP.HCM). Họa sĩ cũng là người chịu trách nhiệm trang trí cho lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.

Chuyên đề