Khung cảnh hoang tàn của đại dự án quy mô hơn 8.000 tỷ đồng, nay chỉ là những đóng sắt gỉ (ảnh: Báo Thái Nguyên) |
Đóng cửa phiên giao dịch 18/2, trong bối cảnh thị trường tăng mạnh, cổ phiếu TIS của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) cũng ghi nhận mức tăng 1% lên 10.100 đồng bất chấp những thông tin bất lợi liên quan đến mã này.
Cụ thể, kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của công ty này – 1 trong 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ, cho hay, từ giữa tháng 11/2017, cơ quan này đã chuyển hồ sơ, tài liệu 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự cho Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an. Có 3 trong 4 vụ việc nói trên liên quan đến Tổng giám đốc TIS và một số cán bộ công ty này.
Theo Thanh tra Chính phủ, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TIS có tổng mức đầu tư 3.843 tỉ đồng (tương đương 242,5 triệu USD, tỷ giá 1 USD = 15.850 đồng). Tuy nhiên, đến năm 2012, Tổng công Thép và TIS có văn bản gửi Bộ Công Thương và Chính phủ xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 8.104 tỉ đồng, tăng 4.261 tỷ đồng so với mức ban đầu.
Tháng 5/2013, Chủ tịch Hội đồng quản trị TIS ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.104 tỷ đồng; thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động.
Theo số liệu tại Báo cáo tài chính vừa được TIS công bố, trong năm 2018, công ty này đã tiếp tục đổ thêm 241,67 tỷ đồng cho Công trình cải tạo giai đoạn II.
Tổng giá trị xây dựng cơ bản dở dang của TIS tại “đại dự án đắp chiếu” này đến cuối năm 2018 lên tới 5.092,68 tỷ đồng, chiếm tới hơn 99,7% tổng số chi phí xây dựng cơ bản dở dang của TIS.
Một khối lượng vốn khổng lồ của TIS đang ngâm tại dự án "đắp chiếu" (ảnh chụp màn hình BCTC)
Khoản lợi nhuận khác hơn 3 tỷ đồng chỉ giúp TIS giảm lỗ xuống còn 19 tỷ đồng trong quý IV/2018, trở lại với tình trạng thua lỗ sau 13 kỳ làm ăn có lãi. Theo giải trình của TIS, hoạt động kinh doanh yếu kém trong kỳ xuất phát từ giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, còn doanh thu tài chính giảm do SCIC thoái vốn.
Lũy kế cả năm 2018, TIS ghi nhận 10.935 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12% so năm 2017 song lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 71%, chỉ đạt gần 28 tỷ đồng, vỡ kế hoạch năm.
Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch đầu tuần 18/2 đã chứng kiến đà hồi phục mạnh mẽ của hai chỉ số chính. VN-Index tăng 10,41 điểm tương ứng 1,09% lên 961,3 điểm còn HNX-Index tăng 0,72 điểm tương ứng 0,68% lên 106,84 điểm. UPCoM-Index rung lắc mạnh, kết thúc phiên ngay sát vùng tham chiếu, tăng nhẹ 0,03%.
Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về các mã tăng. Có tổng cộng 339 mã tăng, 27 mã tăng trần so với 249 mã giảm, 37 mã giảm sàn trong phiên hôm qua.
Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể trong phiên chiều với tổng khối lượng giao dịch trên HSX đạt 194,65 triệu cổ phiếu tương ứng 4.105,08 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 37,53 triệu cổ phiếu tương ứng 489,66 tỷ đồng.
Nhìn chung, diễn biến tăng trong phiên 18/2 khá đồng đều và không bị lệ thuộc vào nhóm vốn hoá lớn. Bằng chứng là chỉ số rổ VN30 chỉ tăng 7,19 điểm tương ứng 0,8%, thấp hơn biên độ tăng của VN-Index. Đóng góp của GAS và VIC, hai đầu tàu của VN-Index cho chỉ số cũng chỉ ở mức 1,86 điểm và 1,65 điểm trong mức tăng chung.
Theo dự báo của BVSC, trong phiên hôm nay (19/2), thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm và tiến đến thử thách vùng kháng cự quanh 966 điểm. Áp lực bán chốt lời dự kiến sẽ gia tăng ở nhiều nhóm cổ phiếu, qua đó có thể khiến thị trường chung chịu áp lực rung lắc, điều chỉnh tại vùng cản này.
Diễn biến của thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục có sự phân hóa rõ nét giữa các dòng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu ngân hàng dự kiến sẽ điều chỉnh trong những phiên đầu tuần và có thể hồi phục tăng về cuối tuần. Trong khi đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn sẽ luân phiên tăng điểm.
Dòng tiền được dự báo sẽ tiếp tục luân phiên dịch chuyển vào các cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đang điều chỉnh tích lũy thuộc các nhóm ngành dầu khí, ngân hàng, xây dựng và bất động sản… để tìm kiếm lợi nhuận.