Số doanh nghiệp thành lập mới sẽ đạt kỷ lục mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Điểm sáng trong “bức tranh” đăng ký doanh nghiệp (DN) tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2024 được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phác họa là số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường vượt mốc 200.000 DN, dự kiến đạt kỷ lục mới trong năm 2024. Nhiều giải pháp tiếp tục được đề xuất nhằm “mở đường” cho đà tăng tốc này.
Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có 31.585 doanh nghiệp gia nhập thị trường 10 tháng đầu năm 2024, chiếm 23,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới. Ảnh: Quang Tuấn
Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có 31.585 doanh nghiệp gia nhập thị trường 10 tháng đầu năm 2024, chiếm 23,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới. Ảnh: Quang Tuấn

Doanh nghiệp khởi nghiệp nở rộ

Cập nhật về tình hình đăng ký DN tháng 10 và 10 tháng đầu năm, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp đà tăng với hơn 200.000 DN, trong đó có hơn 136.000 DN đăng ký thành lập mới (tăng 1,8% so với cùng kỳ 2023), và hơn 66.000 DN quay trở lại thị trường.

Các DN đăng ký thành lập mới chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ với 103.127 DN, chiếm 75,8%, tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có 31.585 DN gia nhập thị trường, chiếm 23,2% tổng số DN thành lập mới, giảm 0,53% so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận 1.373 DN thành lập mới, chiếm 1% tổng số DN thành lập mới, giảm 5,24% so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, so với năm 2023, kinh tế của Tỉnh đã tăng trưởng cao trở lại. “Bắc Ninh là một trong những địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công cũng tăng tốc… Những yếu tố này mở ra cơ hội cho các DN trong nước khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh”, ông Bắc nói.

Số liệu do Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh vừa công bố cho thấy, 10 tháng 2024, Bắc Ninh có 3.229 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 33.138 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 11% về số DN và tăng 19,1% về tổng vốn đăng ký. Cũng trong 10 tháng, số DN quay trở lại hoạt động là 902 DN, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư 10 tháng đạt kết quả vượt bậc, không chỉ tăng mạnh về số dự án và số vốn mà làn sóng đầu tư từ các nước lớn tại khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, bán dẫn càng khẳng định những thay đổi đáng kể về chất trong thu hút vốn FDI vào Bắc Ninh.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024 của nhiều địa phương khác như: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương… được đồng loạt công bố đầu tháng 11 cũng cho thấy sự tăng trưởng của hoạt động đăng ký thành lập DN.

Tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, kinh tế nước ta đã có sự phục hồi rõ nét trong những tháng đầu năm nay, trong đó số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường liên tục tăng, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nhìn nhận, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã thông thoáng hơn rất nhiều. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, từ năm 2021 đến tháng 8/2024, có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa, chiếm 18,9% các thủ tục được rà soát. Đây là một con số rất lớn, là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học nhằm tạo thuận lợi hơn cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy DN khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục gỡ “điểm nghẽn”, tạo đà cho doanh nghiệp

Bên cạnh những điểm tích cực nêu trên, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho hay, trong 10 tháng đầu năm 2024, cả nước vẫn có hơn 173.000 DN rút lui khỏi thị trường, trong đó phần lớn là DN tạm ngừng kinh doanh. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh, mặc dù môi trường kinh doanh đã thông thoáng hơn rất nhiều, song DN vẫn than phiền về những rủi ro gặp phải ngay từ khi khởi nghiệp, đó là điều kiện kinh doanh hay các tiêu chuẩn, quy chuẩn khó thực thi. “Điều này dẫn đến DN phải trì hoãn, thậm chí hủy bỏ kế hoạch kinh doanh gây lãng phí cả về thời gian, nguồn lực và cơ hội kinh doanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến DN chậm lớn thời gian qua”, ông Tân lo ngại.

Về triển vọng phát triển, nhiều ý kiến nhận định, Việt Nam đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ, nhất là những lĩnh vực mới có giá trị kinh tế cao. Đây là cơ hội để hoạt động gia nhập thị trường của DN tăng tốc. “Với đà tăng trưởng tích cực trong 10 tháng đầu năm, cùng dự báo lạc quan về tình hình phát triển kinh tế những tháng cuối năm và đầu năm tới, nhiều khả năng số DN thành lập mới năm 2024 sẽ vượt năm 2023 và có thể lập kỷ lục mới”, ông Nguyễn Phương Bắc tin tưởng.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, với nhiều quy định giúp khối DN này tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đầu tư…

Lãnh đạo Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, điều quan trọng nhất với DN là môi trường kinh doanh phải thực sự thuận lợi, ở đó, các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa dễ dàng thực hiện thủ tục hành chính, bởi đây vẫn là “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của DN.

Đồng quan điểm, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cần đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong cung cấp các dịch vụ công, tạo thuận lợi cho DN hoạt động. Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính để tạo sự lan truyền mạnh mẽ trong việc đổi mới, cải cách từ Trung ương tới địa phương theo hướng cải cách triệt để, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và DN.

Chuyên đề