Doanh nghiệp Việt vươn mình chinh phục thị trường quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Bước lên đẳng cấp cao hơn trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin tỷ USD” là chiến lược toàn cầu hóa được FPT công bố ngày 11/01/2024. Tại chiến lược này, FPT đặt mục tiêu 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) trên thị trường nước ngoài vào năm 2030. FPT là một trong một số doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam đã tiến bước thành công trên con đường chinh phục thị trường quốc tế, góp sức xây dựng thương hiệu Việt trên toàn cầu.
Những nỗ lực của VinFast đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ các nước có ngành sản xuất ô tô của riêng mình. Ảnh: Nhã Chi
Những nỗ lực của VinFast đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ các nước có ngành sản xuất ô tô của riêng mình. Ảnh: Nhã Chi

Năm 1998, FPT bắt đầu chiến lược cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài với khát vọng đem công nghệ, trí tuệ Việt Nam ra thế giới. “Mò mẫm” tự tìm đường ra nước ngoài bằng các mô hình và quy trình chuẩn công nghiệp như ISO hay CMM, mở văn phòng ở Bangalore (Ấn Độ - 1999), rồi ở Thung lũng Silicon Valley (Mỹ - 2000) nhưng thất bại. Khách hàng đầu tiên FPT có được chỉ mang về doanh số vài nghìn USD… Sau những năm trải nghiệm đầu tiên, dấu ấn “cất cánh” của FPT bắt đầu vào năm 2005, khi Công ty chinh phục thành công thị trường “khó tính” nhất là Nhật Bản.

Đến năm 2023, hồ sơ khách hàng của FPT lần đầu tiên có khách hàng đạt quy mô doanh số trên 200 triệu USD. Vượt qua hơn 100 nhà thầu quốc tế, FPT trở thành đối tác chính, tư vấn và cung cấp giải pháp toàn diện, từ nền tảng vận hành DN đến chuyển đổi số cho khách hàng tại Mỹ này. Tại Malaysia, FPT đã vượt qua hàng chục đối thủ mạnh như Accenture, IBM, Tech Mahidra… trở thành TOP 3 nhà thầu chính thực hiện các dự án chuyển đổi số, nhà cung cấp dịch vụ duy nhất trên nền tảng Microsoft cho Tập đoàn Dầu khí hàng đầu Malaysia trong suốt hơn 15 năm. Bộ trưởng Truyền thông và Kinh tế số Malaysia đánh giá, FPT là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số cho Tập đoàn Dầu khí nói riêng và Malaysia nói chung.

Từ nhóm 17 người ban đầu, quy mô nhân sự trong lĩnh vực dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT hiện nay vượt 30.000 người, thuộc 70 quốc tịch. Từ Việt Nam, FPT đã vươn ra toàn cầu với sự hiện diện tại 30 quốc gia, bao gồm những thị trường phát triển nhất như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, châu Âu. Từ không khách hàng, FPT đã trở thành đối tác tin cậy của gần 100 công ty thuộc TOP 500 DN hàng đầu thế giới. Từ công ty không thương hiệu, FPT đã bước vào sân chơi đẳng cấp thế giới của các DN dịch vụ CNTT, với doanh số cán mốc 1 tỷ USD…

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ, trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng, nhưng nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT. “Đã đến lúc thế giới cần Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của thế giới, đã vươn lên số 2 thế giới về phần mềm, chỉ sau Ấn Độ”, ông nói.

Cũng trong ngành CNTT, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng ghi dấu ấn thành công vượt trội trên con đường chinh phục thị trường nội địa và quốc tế. Theo danh sách 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023 được Finance và Mibrand Việt Nam công bố mới đây, giá trị thương hiệu của Viettel tăng thêm 2%, đạt gần 9 tỷ USD và duy trì vị thế thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 8 năm liên tiếp. Viettel bắt đầu chinh phục thị trường quốc tế từ năm 2006, đến nay xây dựng được thị trường tại gần 20 quốc gia và tạo được uy tín lớn khi trở thành 1 trong 5 nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Trong lĩnh vực ô tô, năm 2019, Tập đoàn Vingroup khánh thành Nhà máy Sản xuất ô tô VinFast, tạo bước ngoặt cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam từ gia công chuyển sang tự chủ sản xuất. Nỗ lực của VinFast ghi tên Việt Nam vào bản đồ các nước có ngành sản xuất ô tô của riêng mình. Đầu năm 2024, VinFast ra mắt mẫu xe ô tô điện mới nhất VF3 tại Mỹ. Bà Trần Mai Hoa, Phó Tổng giám đốc Kinh doanh và Marketing VinFast chia sẻ, đây là mẫu xe mang tới giải pháp di chuyển nội đô xanh và thông minh ở phân khúc giá dễ tiếp cận cho mọi người. Sản phẩm thể hiện những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc nghiên cứu, đổi mới của một DN Việt, đồng thời đánh dấu bước phát triển nhanh chóng của VinFast trong chiến lược mở rộng sản phẩm xe điện toàn cầu.

Trong lĩnh vực năng lượng, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) khẳng định vững chắc uy tín trên thị trường khu vực và thế giới khi gần đây trúng nhiều gói thầu quốc tế, đủ việc làm đến hết năm 2027. Doanh thu hợp nhất năm 2023 của PTSC đạt trên 20.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu cung cấp dịch vụ ra nước ngoài chiếm trên 55%.

Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương đánh giá, nỗ lực vươn ra thị trường thế giới của các DN Việt đã góp phần làm tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu. Báo cáo của Brand Finance cho thấy, nếu như năm 2016, thương hiệu quốc gia Việt Nam là 141 tỷ USD, thì đến năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục về giá trị tuyệt đối và tỷ trọng tăng giá trị thương hiệu quốc gia.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, trước đây, khi nói đến Việt Nam, người tiêu dùng thế giới thường nhớ đến các sản phẩm nông nghiệp như: gạo, cà phê, tiêu, cao su, thủy sản, chè… Hiện nay, Việt Nam có những DN vươn ra toàn cầu với nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao. “Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập mạnh mẽ, thương hiệu DN là một phần của thương hiệu quốc gia. Các DN xây dựng được thương hiệu tốt sẽ góp phần tăng cường lòng tin ở thị trường nước ngoài, từ đó thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, đồng thời cũng thu hút đầu tư phát triển kinh tế đất nước”, ông nói.

Theo TS. Võ Trí Thành, cái gốc của thương hiệu DN chính là văn hóa DN, trong đó vừa cần có chuẩn quốc tế, vừa cần nét đặc sắc của DN Việt, của người Việt. Đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt khi chúng ta bước ra “sân chơi” thế giới, bởi xây dựng thương hiệu chính là xây dựng lòng tin với người tiêu dùng, giúp họ dễ nhận biết hàng Việt, DN Việt. Đây là giải pháp hiệu quả nhất để bước chân vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ, với mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia uy tín về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, năm 2024, Bộ tiếp tục xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9. Các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia sẽ được hỗ trợ và đồng hành quảng bá trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, xây dựng thương hiệu là vấn đề sống còn với tương lai DN và nền kinh tế. Từ thành công của một số DN lớn, các chuyên gia cho rằng, xây dựng thương hiệu là con đường chiến lược không thể khác để hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tiến bước trên con đường xuất khẩu bền vững.

Chuyên đề