Doanh nghiệp cần tìm hướng đi mới, tham gia để trở thành một “mắt xích” của chuỗi cung ứng. Ảnh: Nhã Chi |
Đã nhỏ, lại còn bị phân biệt đối xử
Chia sẻ thực trạng phát triển DN tư nhân bên lề Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, bà Vũ Thị Vân Phượng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP VietRAP đầu tư thương mại cho biết: “Mặc dù đã được thành lập gần 8 năm và có sản phẩm nông sản, dược liệu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu..., nhưng đến nay DN vẫn chưa tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng”.
Sở dĩ như vậy, theo bà Phượng, là do lĩnh vực sản xuất nông nghiệp luôn chứa đựng nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh và đang chịu nhiều tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, thị trường sản phẩm không ổn định, hoạt động bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi. Do đó, mặc dù DN có đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tự động... nhưng tất cả những cơ sở vật chất đó đều không được coi là tài sản đảm bảo để ngân hàng có thể chấp nhận cho vay. Hơn nữa, đất sản xuất nông nghiệp theo cánh đồng mẫu lớn chủ yếu lại là đất đi thuê, không thuộc sở hữu của DN nên càng không thể thế chấp được. Khó khăn chồng chất khó khăn tạo nên một vòng luẩn quẩn mà DN khó thoát ra được.
Nhìn rộng hơn, ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đánh giá, các DN tư nhân hiện nay của Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ, vừa và kinh tế hộ gia đình. Sản xuất, kinh doanh chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, quy mô nhỏ, phân tán, kỹ thuật lạc hậu, sức cạnh tranh yếu. Do đó, họ ít có cơ hội tiếp cận các nguồn lực để phát triển như đất đai, tài nguyên, vốn... Trong khi đó, phần lớn nguồn lực lại tập trung trong tay các DN nhà nước đang chậm cổ phần hóa.
Mặt khác, việc DN tư nhân chậm lớn, theo ông Nguyễn Hữu Lương - Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa Hà Nội, còn do sự thiếu nhất quán và chưa đánh giá đúng mức về vai trò của khu vực DN này của một số cơ quan, ban, ngành, bộ phận quản lý. Ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng phân biệt các thành phần kinh tế, chưa thực sự bình đẳng trong vay vốn tín dụng, cho thuê đất...
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để mở rộng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng gần như chỉ có DN FDI và một số DN lớn tận dụng được. “Trong thời gian tới, tình trạng này vẫn khó được cải thiện, nhất là trong bối cảnh cắt giảm thuế quan, gỡ bỏ rào cản thương mại và mở cửa thị trường sâu hơn, rộng hơn theo cam kết trong các FTA thế hệ mới”, ông Huân nhận định.
Khai thông nguồn lực cho DN tư nhân
Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lạc quan cho rằng, trong bối cảnh chịu tác động lớn của tiến bộ khoa học kỹ thuật và các FTA mà Việt Nam tham gia, sự cạnh tranh sẽ tăng lên rất mạnh. Nền kinh tế số có thể giúp các DN nhỏ tăng vị thế của mình, có thể kinh doanh từ xa, kinh doanh qua mạng mà không phải thuê mặt bằng... Hơn nữa, các FTA luôn có cơ chế giúp giảm tình trạng bất bình đẳng giữa các DN nhỏ và vừa với các DN nhà nước.
Nếu chỉ nhìn vào những khó khăn trong tiếp cận vốn của ngân hàng, tiếp cận quỹ đất, thị trường... thì DN khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Do đó, theo bà Vũ Thị Vân Phượng, DN cần tìm hướng đi mới, tham gia để trở thành một “mắt xích” của chuỗi cung ứng hoặc làm chủ chuỗi... Dù không vay được vốn, nhưng VietRAP đã tận dụng được các chuỗi liên kết sản xuất. DN không phải thuê đất mà người dân tự góp đất, góp ruộng, góp công lao động. VietRAP liên kết với nhà cung cấp giống, phân bón, kỹ thuật và nhà máy chế biến. Để có vốn đầu tư, DN tận dụng nguồn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) trong các chương trình phát triển bình đẳng giới, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ ở vùng sâu vùng xa, các mục tiêu phát triển bền vững...
Tuy nhiên, để có thể phát triển đường dài, DN không thể không có vốn. Ngân hàng cũng là DN, nên việc chọn giải pháp an toàn, bảo toàn và thu hồi được đồng vốn cho vay là điều dễ hiểu. Để DN và ngân hàng có thể bắt tay nhau, bà Phượng đề xuất, nên chăng các ngân hàng cần cử cán bộ tập huấn xuống hướng dẫn DN chuẩn bị hồ sơ theo đúng chuẩn mà ngân hàng yêu cầu. Ngược lại, DN cũng cần phải minh bạch hoạt động kinh doanh, tạo sự chuẩn chỉnh về mặt số liệu tài chính, nâng cao năng lực quản trị...