Doanh nghiệp toàn cầu thích nghi để tồn tại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các doanh nghiệp trên toàn cầu đang trải qua quãng thời gian đầy thử thách để duy trì hoạt động trong môi trường mà đại dịch hoành hành và nền kinh tế vẫn đang rỉ máu.
Doanh nghiệp toàn cầu thích nghi để tồn tại

Đứng trên lằn ranh thích nghi để tồn tại hoặc bị đại dịch “xoá sổ”, nhiều doanh nghiệp trở nên sáng tạo không ngừng. Khủng hoảng cũng tạo ra cơ hội tuyệt vời để ấn nút “khởi động lại”, chuẩn bị cho chặng đường dài hơi hơn phía trước, khi nhiều yếu tố đã mãi mãi thay đổi.

Câu chuyện về những doanh nghiệp dưới đây cho thấy tốc độ ứng biến nhanh với tình huống, đồng thời biến những khó khăn trở thành động lực để trỗi dậy trong thế giới thời đại dịch.

Amazon - gã khổng lồ linh hoạt

Người sáng lập, CEO Amazon.com Jeff Bezos vào cuối tháng 4/2020 nhận định: “Đây là quãng thời gian khó khăn nhất mà chúng tôi từng phải đối mặt”. Có lẽ không riêng Jeff Bezos, mọi doanh nhân trên toàn cầu đều có trải nghiệm không lấy làm dễ chịu khi đại dịch phủ bóng đen lên nền kinh tế, tác động làm thay đổi đột ngột nhu cầu, thói quen… của khách hàng, khiến hàng loạt chiến lược, mục tiêu phải thay đổi để “sống sót”.

Đội ngũ lãnh đạo của Amazon đã sớm nhìn nhận đại dịch Covid-19 chính là sự kiện tạo đứt gãy mang tính lịch sử. Jeff Bezos, vốn đang tập trung cho việc phát triển một doanh nghiệp khác là Blue Origin, ngay lập tức quay trở lại tham gia các hoạt động thường nhật của Amazon, gặp gỡ hàng ngày với đội ngũ quản lý cao cấp.

Trong thời gian ngắn, nhu cầu đối với các dịch vụ thương mại điện tử của Amazon tăng vọt do người dân phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Do đó, Amazon cần nhanh chóng “uống thuốc tăng lực” nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Để làm được điều này, Công ty quyết định thuê thêm 175.000 nhân viên.

Chủ trương tăng cường sản xuất đã thúc đẩy doanh thu quý II/2020 của Amazon tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019, lên 88,9 tỷ USD, sau khi tăng 26% trong quý I/2020.

Tuy nhiên, đi kèm với doanh thu vượt trội là các khoản chi phí gia tăng. Theo đó, riêng chi phí liên quan đến kiểm soát dịch Covid-19 dự kiến trong quý III là hơn 2 tỷ USD, chi phí vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu chứng kiến mức tăng 68%, lên 13,7 tỷ USD trong quý II. Tính đến cuối quý II, lực lượng nhân sự tại Amazon tăng 34%, lên 876.800 nhân viên toàn thời gian và bán thời gian.

Tất nhiên, những kết quả vượt trội luôn đi kèm với nhiều khó khăn phải vượt qua. Amazon phải giải quyết nhiều vấn đề: từ việc hàng ngàn người bán hàng tăng giá sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử này, cho tới công nhân biểu tình phản đối môi trường làm việc có nhiều rủi ro với dịch bệnh.

Trong quý II, "gã khổng lồ" thương mại trực tuyến Mỹ đã chi hơn 4 tỷ USD để làm sạch các cơ sở kho vận, tuyển thêm nhân lực, đề nghị tăng lương tạm thời, tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên… Những chi phí này được xem là cái giá hợp lý phải trả để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt.

Bên cạnh việc củng cố hoạt động thường nhật, Amazon cũng nhanh chóng cập nhật những giải pháp cần thiết trong thời dịch. Alexa, ứng dụng trợ lý thông minh của hãng hiện có thể trả lời tới hàng nghìn câu hỏi liên quan tới Covid-19. Thậm chí, Công ty đã đăng ký sở hữu trí tuệ với công nghệ cho phép Alexa nhận ra tiếng ho!

Cùng lúc, Bezos quyết định đầu tư mạnh tay hơn vào cuộc đua công nghệ tự động hoá: xây dựng chuỗi đóng gói hàng hoá - vận chuyển tự động với công nghệ xe tự lái, robot nhỏ, drone…

Bằng cách nào Amazon thích ứng nhanh tới vậy với đại dịch, khi bộ máy khá cồng kềnh? Theo giới chuyên gia, một trong những sức mạnh lớn nhất của Công ty chính là mô hình hoạt động “liên bang” trong 1 quốc gia thống nhất. Mỗi khu vực hoạt động có một người lãnh đạo riêng am hiểu tình hình. Toàn bộ hoạt động diễn ra thông suốt tại các thành phố theo quy chuẩn địa phương. Trong khi đó, Bezos đóng vai trò vị thủ lĩnh liên bang, đưa ra những quyết định quan trọng nhất. Tuy nhiên, đội ngũ lãnh đạo tinh nhuệ của ông có không gian để đưa ra quyết định nhanh chóng, tiến hành đầu tư, theo đuổi các sáng kiến mới thay vì chỉ lo bộ máy chạy thường nhật.

Cấu trúc này thường được xem là “thảm họa” khi đội ngũ hoạt động phân tách với quyền lực quyết định lớn, nhưng với Amazon lại hiệu quả, bởi Bezos luôn tuân thủ 3 nguyên tắc nghiêm ngặt, là kim chỉ nam cho mọi quyết định: khách hàng là trung tâm, cực kỳ ưa chuộng sáng tạo và quản lý gắn bó dài hạn.

Ấn nút khởi động lại

Khi nhu cầu của khách hàng thay đổi trước tác động của đại dịch, các doanh nghiệp cũng phải không ngừng chuyển động để khám phá cách thức tiếp cận mới với người tiêu dùng, đồng thời thích nghi với trạng thái bình thường mới của nền kinh tế.

Bên cạnh những biện pháp để đáp ứng yêu cầu hoạt động trong thời dịch như yêu cầu nhân viên và khách hàng đeo khẩu trang, cung cấp dịch vụ vận chuyển không tiếp xúc, quan tâm chăm sóc sức khoẻ của khách hàng…, nhiều nhãn hàng lớn đã có những chiến dịch sáng tạo nhằm vực dậy niềm hy vọng.

Chẳng hạn, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Burger King quyết định thực hiện chiến dịch quảng cáo mùa Giáng sinh ngay từ tháng 7/2020 với thông điệp động viên tinh thần rất rõ ràng: gợi nhớ tới thời điểm giáng sinh - khoảng thời gian tươi đẹp trong năm, cầu mong những khó khăn kể từ đầu năm 2020 tới nay sẽ sớm qua đi.

Tại một số địa phương, Burger King quyết định in luôn các loại sản phẩm của hãng lên khẩu trang và phát miễn phí cho khách hàng. Theo đó, người dùng có thể xuất hiện ở cửa hàng với khẩu trang in hình sản phẩm và thậm chí mua hàng mà không cần nói.

Thời điểm đại dịch xảy ra cũng là lúc không ít doanh nghiệp quyết định thay đổi bản thân để thích hợp hơn với nhu cầu của khách hàng. Time Out - doanh nghiệp truyền thông toàn cầu nổi tiếng với khả năng truyền cảm hứng và cổ vũ mọi người khám phá nét đẹp tại mọi thành phố - đã quyết định thay đổi chính tên mình khi tạm chuyển thương hiệu thành Time In. Theo đó, hãng truyền thông này xuất bản các nội dung tập trung vào việc hướng dẫn cách thức để tự giải trí khi ở nhà, chuẩn bị cho những cuộc gặp gỡ trực tuyến, thay vì nội dung du lịch - giải trí, tụ họp như thông thường.

Với phương châm “mất tiền cũng xót đấy, nhưng mất độc giả còn đau đớn hơn”, Time Out tự thay đổi bản thân để có thể giữ vững mối liên kết với độc giả, khiến sản phẩm của doanh nghiệp có khả năng hiện diện và phù hợp với bối cảnh mới.

Ngoài nỗ lực tự thân để vượt qua thử thách, các doanh nghiệp cũng nhận ra đoàn kết là sức mạnh và tìm cách liên kết với nhau. Chẳng hạn, hãng phim Huanxi Media Group (Trung Quốc) đứng trước khả năng thua lỗ hàng triệu USD khi bộ phim “Lost in Russia” dự kiến ra rạp vào thời điểm dịch bệnh hoành hành. Trong bối cảnh các rạp chiếu phim đều đóng cửa, Công ty quyết định thiết lập một thỏa thuận với Bytedance (công ty mẹ của ứng dụng TikTok và nhiều ứng dụng video trực tuyến khác) để công chiếu bộ phim. Nhờ vậy, Huanxi vẫn thu về 91 triệu USD doanh thu khi bộ phim đạt hơn 600 triệu lượt xem trong vòng 2 ngày.

Chuyên đề