Ảnh Internet |
Đó là quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về Luật Đầu tư (sửa đổi) hôm 20/11.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (đoàn Khánh Hoà) nhận định nước sạch là loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống con người và phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp nước sạch phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong cấp nước sạch cho người dân và cũng là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đơn vị kinh doanh đầu tư lĩnh vực cấp nước sạch.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu, Luật Đầu tư năm 2014, Phụ lục 4 (luật trước khi sửa đổi) về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã quy định ngành cấp thoát nước là kinh doanh có điều kiện. "Nội dung này liên quan đến các nghị định, như Nghị định 117 của Chính phủ quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch thì Nhà nước đã quy định đây là một ngành, nghề đầu tư có điều kiện nhưng tôi đề nghị giữ nguyên ngành, nghề này ở trong Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này. Nếu chúng ta bỏ ngành, nghề này thì sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh cấp nước sạch sẽ tự do đăng ký kinh doanh gây khó khăn cho Nhà nước trong quản lý ngành, nghề và nguy cơ rủi ro về sức khỏe cho người tiêu dùng sẽ tăng lên, nhất là hiện nay các doanh nghiệp ngành nước đang thực hiện chủ trương của Chính phủ về cổ phần hóa", bà Thu cho biết.
"Nhiều quy định có liên quan đến quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa đối với ngành có tính chất đặc thù như ngành cấp nước chưa được ban hành. Các quy định ràng buộc trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với các đơn vị cấp nước trong hoạt động nước đảm bảo an ninh và cấp nước an toàn cũng chưa chặt chẽ. Các doanh nghiệp kinh doanh cấp nước cũng còn hạn chế và điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe của cộng đồng khiến cho cuộc sống của người dân cũng trở nên bất an", đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu phân tích.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đề xuất, khi thiết lập các điều kiện cho các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, phải xem xét rất kỹ có những ngành, nghề phải hạn chế chuyển nhượng ở bên ngoài Việt Nam, có những ngành, nghề phải hạn chế người nước ngoài sở hữu. Hạn chế có nghĩa là không cho họ đa số và mức sở hữu của người nước ngoài. “Ví dụ như vấn đề kinh doanh nước sạch, ở những đô thị lớn thì đây là vấn đề an ninh rất hệ trọng, liệu chúng ta có nên đưa vào kinh doanh có điều kiện, một trong những điều kiện đó là không cho chuyển nhượng ra bên ngoài Việt Nam”, ông Nghĩa nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đề nghị phải có thủ tục được kiểm soát, tránh tình trạng tay không bắt giặc, các dự án lòng vòng. “Ngay buổi sáng hôm nay tôi nhận được thông tin đã có 5 nhà đầu tư người Thái nắm quyền kiểm soát, vừa tham gia Hội đồng quản trị, vừa tham gia Ban kiểm soát của nhà máy nước sông Đuống. Chúng ta xem nhà đầu tư thực sự có phải để làm dự án kinh doanh phục vụ cho nhân dân theo đúng tư cách của nhà kinh doanh không hay chỉ để thực hiện động tác kiếm lợi nhuận, sau đó dồn lại rủi ro cho người khác, đặc biệt rủi ro có thể đến với nhân dân hay không”, ông Lưu Bình Nhưỡng đặt lo ngại.
Công ty CP Nước mặt sông Đuống được thành lập ngày 8/6/2016, Tập đoàn Aqua One nắm giữ 58% vốn của công ty. Các cổ đông sáng lập khác gồm có: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội sở hữu 10%; Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (Newtatco) 5%; Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman (nhà đầu tư uỷ thác góp vốn) 27%.
Doanh nghiệp này đã có sự thay đổi về cổ đông khi Nhà máy nước sông Đuống được xây dựng và đi vào hoạt động. Cổ đông sáng lập là Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman đã không còn xuất hiện trong danh sách, thay vào đó là công ty WHAUP (SG) 2DR PTE.Limited với tỉ lệ sở hữu 34%.
WHAUP (SG) 2DR PTE.Limited được giới thiệu là thành viên Tập đoàn WHA hoạt động trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp, năng lượng của Thái Lan.